Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô - "Bà đỡ" mát tay của nông dân

09:15, 04/01/2019

Nhờ tích cực đổi mới, linh hoạt trong cách làm, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô (huyện Krông Búk) đã duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả, là “bà đỡ” bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê sạch, mang lại thu nhập cao cho các hộ thành viên và liên kết.

Đổi mới để phát triển

HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô thành lập từ năm 2009, được Nhà nước bảo trợ hoàn toàn, mỗi tháng các xã viên chỉ được hỗ trợ 400 - 700 nghìn đồng/người để quản lý 3 công trình thủy lợi trên địa bàn xã Chư Kbô nên đời sống kinh tế khá khó khăn. Năm 2014, đơn vị chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, tự hạch toán kinh doanh và hoạt động như một công ty độc lập. Theo đó, HTX đã tổ chức lại hoạt động với nhiều đổi mới phù hợp yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp địa phương; mở rộng hoạt động đa ngành nghề như: phát triển chăn nuôi bò sinh sản, thu gom rác thải sinh hoạt, đặc biệt là sản xuất cà phê sạch bền vững.

Sau khi được hỗ trợ tái canh, năng suất cà phê của gia đình ông Phan Thanh Long ở thôn Kty 4  đã tăng lên 20% so với trước.
Sau khi được hỗ trợ tái canh, năng suất cà phê của gia đình ông Phan Thanh Long ở thôn Kty 4 đã tăng lên 20% so với trước.

Sau khi chuyển đổi, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Đắk Man (địa chỉ phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất - tiêu thụ cà phê sạch bền vững có chứng nhận tiêu chuẩn FLO-CERT. Đến nay, HTX đã kêu gọi được 33 hộ dân trong xã tham gia sản xuất cà phê sạch với tổng diện tích trên 50 ha.

Ông Phan Trọng Ký, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô cho biết, quá trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn sạch bền vững khác nhiều so với cách làm truyền thống như: Sử dụng hoàn toàn bằng phân bón vi sinh, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thu hoạch khi quả chín… Để thay đổi thói quen canh tác, nâng cao chất lượng cà phê đáp ứng yêu cầu của đơn vị liên kết, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các xã viên; phối hợp với ngành chức năng địa phương, Công ty TNHH Đắk Man thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Nhờ vậy, đến nay, hầu hết xã viên đã thực hiện khá thuần thục quy trình sản xuất cà phê sạch bền vững, nhanh nhạy ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng từ 10-15% so với trước. Năm 2018, tổng doanh thu riêng trong lĩnh vực sản xuất cà phê sạch của HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô là 8,7 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2015.

“Bà đỡ” của nông dân

Năm 2014, gia đình ông Hoàng Đoàn ở thôn Kty 4 đăng ký tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô để sản xuất 2 ha cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT. Từ đó, bên cạnh việc được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà phê sạch bền vững, hằng năm HTX còn hỗ trợ gia đình ông bình quân 25 triệu đồng để đầu tư phân bón sinh học; được đóng 100% tiền Bảo hiểm Y tế.  Ông Đoàn cho hay, năng suất cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn FLO-CERT luôn ổn định từ 3,5 - 4 tấn nhân/ha, trong khi đó còn được HTX hỗ trợ giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông khoảng trên 200 triệu đồng, tăng hơn 40% so với trước.

Gia đình ông Hoàng Đoàn ở thôn Kty 4 đang chế biến cà phê ướt theo tiêu chuẩn FLO-CERT.
Gia đình ông Hoàng Đoàn ở thôn Kty 4 đang chế biến cà phê ướt theo tiêu chuẩn FLO-CERT.
 

“HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, làm thay đổi tư duy sản xuất mà còn nâng cao đời sống và phát huy vai trò làm chủ của người nông dân”.

 
 
Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk

Nhận thấy hiệu quả thiết thực, đến nay đã có 169 hộ dân trong vùng đăng ký tham gia liên kết sản xuất 316 ha cà phê với HTX. Trước đây, gia đình anh Phan Thanh Long ở thôn Kty 4 có 1,7 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, chỉ khoảng 2 tấn nhân/ha nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Năm 2015, anh Long tham gia liên kết sản xuất cà phê với HTX và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn thực hiện mô hình tái canh cà phê bền vững của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (VnSAT). Theo đó, Dự án VnSAT đã đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật để tiến hành tái canh 9 sào cà phê cho gia đình anh. Vừa qua, HTX còn hỗ trợ miễn phí cho gia đình anh Long 1 máy chế biến cà phê dạng ướt. Đến nay, năng suất cà phê của gia đình khá ổn định với khoảng 3,5 tấn nhân/ha.

Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, sau khi chuyển đổi, HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô đã có nhiều đổi mới và hoạt động có hiệu quả, nhất là liên kết, liên doanh bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Những năm qua, HTX đã thực hiện tốt vai trò "cầu nối" giữa chính quyền với người nông dân trong việc hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật đối với cây trồng, sử dụng các loại giống mới có năng suất chất lượng cao…, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.