Kỳ vọng từ mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm
Trong lúc người tiêu dùng đang dấy lên lo ngại về vấn nạn thực phẩm "bẩn" thì mô hình chợ thí điểm về an toàn thực phẩm (ATTP) được triển khai tại chợ Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã mở ra nhiều kỳ vọng. Nhiều người tin tưởng đây sẽ là bước chuyển về chất lượng thực phẩm bày bán trên địa bàn.
Mô hình chợ ATTP đầu tiên trong tỉnh được thí điểm tại chợ xã Ea Tu, đáp ứng nhu cầu giao thương cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận như Hòa Thuận, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Chợ đáp ứng các tiêu chí về ATTP và chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 11-2018.
Đây là chợ hạng 3, được đầu tư xây dựng mới với diện tích nhà lồng và khu vực ngoài trời hơn 700 m2 từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ khi được chọn xây dựng mô hình thí điểm, chợ Ea Tu được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm. Hiện chợ có 88 tiểu thương, kinh doanh các ngành hàng thủy sản, gia súc, gia cầm, rau, củ, quả... đều xác định được nguồn gốc. Chợ có khu vực chế biến được chia theo các nhóm hàng riêng biệt, khu xử lý chất thải, khu vệ sinh, hệ thống nước sạch, thực phẩm bày bán có nguồn gốc rõ ràng... đáp ứng các tiêu chí đề ra.
Sở Công thương cũng đã hỗ trợ mua dụng cụ đặc thù, bảng hiệu, bảng nội quy chợ, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh của tiểu thương như quầy, sạp, tủ kính, trang bị thiết bị test nhanh... Tất cả các gian hàng bày bán tại chợ đều được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát theo định kỳ, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm. Mỗi quầy hàng đều có biển hiệu đề tên, số điện thoại của tiểu thương, bảng chỉ dẫn khu vực và sơ đồ chợ, bảo đảm các tiêu chuẩn về phân khu, tránh nhiễm chéo. Các tiểu thương được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ khám sức khỏe và trang thiết bị phục vụ kinh doanh đáp ứng tiêu chí kinh doanh thực phẩm.
Khu vực bày bán thực phẩm tươi sống tại chợ Ea Tu. |
Điều đáng mừng là từ khi mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP đi vào hoạt động đã nhận được sự đồng tình cao của tiểu thương cũng như người tiêu dùng nên hoạt động kinh doanh ngày càng đi vào nền nếp. Tình trạng kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc; cung cấp thực phẩm tươi sống bị nhiễm bệnh, nhiễm độc hay lây lan dịch đã không còn xảy ra tại chợ; nhờ đó, việc kinh doanh của các tiểu thương cũng được thuận lợi hơn.
Chị Nguyễn Thị Hải, kinh doanh hàng ăn tại chợ cho hay, vì chợ được chọn xây dựng mô hình chợ ATTP nên chị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đề ra, nhất là "10 nguyên tắc vàng" trong chế biến thực phẩm. Đối với tiểu thương kinh doanh hàng ăn như chị, phải đặt lợi ích, an toàn sức khoẻ của người tiêu dùng lên trên hết, cũng là bảo vệ cho uy tín của mình. Tương tự, chị Lê Thị Thanh Nhàn, kinh doanh hàng tươi sống tại chợ cho hay, khác với chợ cũ, bây giờ thông tin tên, số điện thoại của người bán đã được công khai trên mỗi gian hàng. Nếu xảy ra sơ suất thì sẽ mất uy tín và chịu trách nhiệm với món hàng do mình bán ra, do đó chị luôn ý thức phải chọn thực phẩm an toàn.
Khách mua rau tại chợ. |
Theo Sở Công thương, mục tiêu của việc xây dựng mô hình thí điểm chợ ATTP là nhằm góp phần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm không những đối với người tiêu dùng mà cả các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ với các nhóm hàng thực phẩm, nông sản, tươi sống và đã qua chế biến như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả... Từ hiệu quả bước đầu của mô hình này, thời gian tới, sở sẽ đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và tiến tới nhân rộng mô hình. Dự kiến đến năm 2020, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 1 chợ bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại và đến năm 2030 có 50% chợ trong quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm.
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chủ trì, được Bộ Công thương giao nhiệm vụ và chỉ định Sở Công thương thực hiện với tổng kinh phí 250 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc