Làm giàu trên quê hương mới
Hơn 30 năm định cư trên vùng đất Đắk Lắk, những người con của quê hương Hưng Yên đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.
Khó khăn không lùi bước
Thực hiện chủ trương di dân xây dựng kinh tế mới và làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tháng 2-1986, 526 hộ với 2.272 khẩu thuộc các xã Bảo Khê, Hùng Cường, Phú Cường, Xuân Trúc, Lương Bằng, Tân Phúc… của huyện Kim Thi, Ân Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên) đã di dân vào Đắk Lắk thành lập 1 xã lâm thời lấy tên là Krông Năng, sau đó được đổi tên thành xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) từ tháng 1-1989.
Là một trong những người đầu tiên có mặt tại đây, ông Phạm Văn Tễ (71 tuổi), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã lâm thời, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú (từ năm 1988-1992) vẫn nhớ như in những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới: Mỗi hộ được chia hơn 1 sào đất ở, đất sản xuất thì chia theo đầu người và được hỗ trợ gạo ăn trong 9 tháng, còn lại đều phải tự xoay sở. Cơ sở vật chất ban đầu của vùng kinh tế mới chỉ có 1 trạm xá, 1 điểm trường cấp I, II gồm 5 phòng học tạm bợ, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. “Cơ cực, thiếu thốn là vậy, song đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, những người con Hưng Yên quyết tâm bám trụ đến cùng”, ông Tễ nhớ lại.
Người dân quê gốc Hưng Yên tại thôn 4 vui mừng trước diện mạo mới của xã Xuân Phú ngày nay. |
Trong căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc của người miền Bắc, ông Phạm Văn Căn ở thôn 4, xã Xuân Phú xúc động kể lại những ngày đầu di dân vào Đắk Lắk và luôn xem đây là bước ngoặt không thể nào quên: “Năm 1986 tôi đưa cả gia đình từ xã Phú Cường vào Đắk Lắk xây dựng vùng kinh tế mới. Thời ấy không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất mà tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nhân dân lại phải đối mặt với dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét hoành hành. Gia đình tôi đã mất đi đứa con đầu khi cháu mới 5 tuổi vì căn bệnh này. Hình dung lại tất cả những gì đã trải qua chúng tôi không dám mơ sẽ có được cuộc sống yên ấm, đủ đầy như hôm nay”.
Chung sức xây dựng quê hương mới
Cùng chúng tôi đi trên con đường liên thôn vừa được bê tông hóa, ông Phạm Văn Căn hồ hởi: Sau gần 33 năm vào Đắk Lắk lập nghiệp, đời sống của những người con Hưng Yên đã có nhiều đổi thay đáng kể. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, người dân thôn 4 đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay đồng lòng phá bỏ cổng, di dời hàng rào mở rộng đường, đóng góp 150.000 đồng/khẩu và ngày công, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để làm đường giao thông.
Với 63 hộ đều là người quê gốc Hưng Yên, những năm qua người dân thôn 6 cũng chung sức đồng lòng cùng xây dựng địa phương ngày càng phát triển về mọi mặt. Được tin tưởng giao đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn 6 từ năm 2000 đến nay, ông Phạm Văn Tễ đã cùng với cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây hoa màu sang trồng cà phê, tiêu, phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào, phá bỏ cây cối mở rộng đường lên 6-8 m, đóng góp 160.000 đồng/khẩu để bê tông hóa đường nội thôn. Toàn thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, trên 95% hộ đạt gia đình văn hóa, thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa từ năm 2005 đến nay.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Nguyễn Văn Hải, toàn xã hiện có 1.540 hộ với 6.170 khẩu, trong đó người quê gốc Hưng Yên chiếm trên 60% dân số. Được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương, người dân Hưng Yên nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã nói chung đã phát huy đức tính cần cù, chăm chỉ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm tại quê hương mới.
Ý kiến bạn đọc