Nhiều cánh đồng lúa đông xuân ngập chìm trong nước lũ
Trong tuần vừa qua, mưa lớn bất thường, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về sông Krông Ana đã làm nhiều cánh đồng vừa gieo sạ xong vụ đông xuân 2018 - 2019 ngập sâu trong nước, khiến người dân chịu thiệt hại nặng nề.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao đã gây mưa lớn trên diện rộng chủ yếu ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Mưa lớn kéo dài ở vùng đầu nguồn đã làm cho mực nước sông Krông Ana dâng cao, gây ngập lụt ở khu vực hạ lưu chủ yếu ở huyện Lắk, Krông Bông và huyện Krông Ana. Đến thời điểm này, đã có gần 3.000 ha cây trồng vụ đông xuân 2018 - 2019 (chủ yếu là cây lúa) bị ngập sâu trong nước, tập trung ở các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Ea Trul (huyện Krông Bông); Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) và một số diện tích ven sông của huyện Krông Ana.
Nhiều máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Hòa Bình 2 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) bị ngập trong nước. |
Tại huyện Lắk, cánh đồng của các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết ngập trắng nước, người dân phải đi lại kiểm tra tình hình bằng thuyền. Theo thống kê của UBND huyện, hiện đã có hơn 1.400 ha cây trồng vụ đông xuân bị ngập lụt, hầu hết là cây lúa mới sạ, với diện tích 1.372 ha. Trong đó, xã Buôn Triết khoảng 580 ha, Buôn Tría 510 ha và Đắk Liêng gần 300 ha. Ước tính, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp 15,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Lắk cho biết, do tình hình thời tiết mưa nhiều, mực nước sông Krông Ana liên tục dâng cao đã làm nhiều diện tích lúa tại 3 xã vùng trũng là Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng bị ngập lụt nhiều lần. Cụ thể, giữa tháng 12-2018, nhiều người dân tại các địa phương trên tiến hành xuống giống trà lúa vụ đông xuân sớm, nhưng vừa sạ xong thì mưa lớn và nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng nhiều diện tích. Sau khi nước rút xuống (vào cuối tháng 12-2018), người dân đồng loạt tiến hành gieo trồng lại thì nước sông Krông Ana đột ngột dâng lên rất nhanh, tràn vào cánh đồng nhấn chìm tất cả. Tình trạng ngập lụt kéo dài khiến hàng nghìn héc-ta lúa, khoai, ngô lai… bị úng nước, không có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, do nước lũ lên quá nhanh, nhiều người dân không kịp đưa máy móc phục vụ sản xuất như xe cày, máy bơm nước… về nhà mà đành để chìm trong nước dẫn đến hư hỏng.
Nhìn cánh đồng trắng xóa nước, ông Châu Minh (thôn Hòa Bình 2, xã Đắk Liêng) xót xa nói: “Đợt đầu tiên gia đình tôi gieo sạ gần 2 ha lúa, mới được 5 ngày thì bị ngập úng phải làm đất sạ lại 1,6 ha, thiệt hại hơn 3 tạ lúa giống. Từ ngày lúa bị ngập, ngày nào tôi cũng ra ruộng kiểm tra tình hình. Nước trên ruộng vừa ngớt là gia đình khẩn trương làm lại đất, xuống giống để kịp vụ đông xuân. Chưa kịp trút nỗi lo thì mưa rải rác, nước từ đầu nguồn đổ về khiến toàn bộ cánh đồng lại ngập trong biển nước. Tôi cùng nhiều hộ dân tại đây bất lực nhìn diện tích lúa mới gieo sạ từ 1 – 5 ngày đang bị hỏng dần, bao nhiêu công sức, tiền của bị vùi trong dòng nước lũ”.
Anh Nguyễn Văn Trọng (buôn Tung 2, xã Buôn Triết) cho hay: “Gia đình tôi có 2 ha đất ở vị trí thấp, để thu hoạch được trước mùa mưa lũ năm 2019, gia đình đã tiến hành gieo sạ sớm. Tuy nhiên, khi sạ xong gần nửa tháng thì lũ về bất ngờ gây ngập úng một nửa diện tích. Gia đình đành chờ nước rút đến đâu tiếp tục sạ lại đến đó, nhưng nước sông lại tràn vào, ruộng tiếp tục bị ngập sâu trong nước, coi như bao nhiêu lúa giống, công sức bị lũ nhấn chìm hết”. Đó là chưa kể, có nhiều hộ dân chưa kịp xuống giống thì ruộng đã bị ngập, hơn chục ngày chưa rút nên phải bỏ số giống đã ủ, mua giống mới về ủ lại để tiếp tục sạ.
Người dân xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) kiểm tra tình hình lúa ngập tại cánh đồng. |
Tại huyện Krông Bông, mưa lũ cũng đã làm cho 570 ha các loại cây trồng vụ đông xuân bị ngập úng, chủ yếu là diện tích lúa nước gieo sạ sớm tại các vùng trũng ở xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Ea Trul. Ông Phan Thanh Sa, Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết, toàn xã có khoảng 200 ha cây trồng bị ngập, hiện nước trên các cánh đồng vẫn chưa rút hết, xã cũng đang thành lập đoàn để đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho người dân. Trước mắt xã chỉ đạo các thôn, buôn bị ngập úng tập trung khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh chăm sóc lúa vụ đông xuân 2018 - 2019 bị ảnh hưởng, đồng thời đề nghị UBND huyện hỗ trợ giống lúa để người dân kịp thời gieo sạ vụ đông xuân khi nước rút.
Đến ngày 4-1, mực nước tại sông Krông Ana vẫn đang dâng cao, có khả năng tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng ở các xã vùng trũng của huyện Lắk và Krông Bông. Trước tình hình trên, UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên báo cáo tình hình thiên tai và tổ chức thống kê chi tiết tình hình thiệt hại, kịp thời vận động nhân dân sau khi nước rút tổ chức làm lại đất và chuẩn bị giống để gieo sạ lại cho kịp thời vụ. Đối với các xã có các khu dân cư ở cánh đồng 8/4 có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lụt (các xã Buôn Tría, Buôn Triết của huyện Lắk) phải thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai.
Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho một số tuyến kênh mương nội đồng, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn 3 huyện Krông Ana, Lắk và Krông Bông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích trồng lúa bị đất đá vùi lấp khó khôi phục sau mưa lũ. Đặc biệt, chiếc cầu số 9 nằm trên tỉnh lộ 12 đi qua xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) bị mưa lũ làm sạt lở hai bên mố cầu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra của riêng huyện Lắk và Krông Bông ước trên 24 tỷ đồng. |
Minh Thùy
Ý kiến bạn đọc