Triển vọng từ một tổ hợp tác trồng hoa
Nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, phát huy thế mạnh của địa phương, Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã hình thành Tổ hợp tác trồng hoa, cung cấp hoa tươi cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện, đặc biệt là vào dịp Tết.
Tổ hợp tác trồng hoa thành lập vào tháng 10-2018, gồm 12 thành viên, với tổng diện tích trồng hoa gần 2 ha, chủ yếu trồng hoa cúc các loại. Ngoài việc trồng và cung cấp hoa vào các ngày lễ, rằm, trong thời điểm này, các hội viên đang tất bật gieo trồng và chăm sóc hoa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Được biết, tổ hợp tác đã xuống giống 800 tạ củ giống hoa lay ơn, 90.000 cây hoa cúc cắt cành và 2.500 cây hoa đồng tiền trong vụ hoa Tết này.
Anh Trần Đình Sang (phải) đang chăm sóc vườn hoa của gia đình. |
Gia đình anh Trần Đình Sang (ở tổ dân phố 7) tổ trưởng tổ hợp tác có vườn hoa 2.500m2 và đã làm nghề trồng hoa gần 40 năm nay. Ngoài những hiểu biết của người trồng hoa lâu năm, anh Sang không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, đặc biệt là kỹ thuật từ những nhà vườn ở Đà Lạt. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, anh còn là người “đầu tàu” tiếp thêm động lực và truyền cho tổ viên kinh nghiệm chăm sóc hoa.
Anh Sang cho biết, bên cạnh việc lựa chọn giống cây tốt không bị sâu bệnh và kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng thì yếu tố quyết định đến mùa vụ là thời tiết, mưa nhiều sẽ dẫn đến thối thân, hư nụ, nấm đốm đen, nấm cóc lá… vì thế, người trồng hoa phải thường xuyên theo dõi thời tiết, để có biện pháp phun thuốc phòng bệnh trước 2-3 ngày khi khí hậu biến đổi.
Đặc biệt, anh Sang đã nghiên cứu dùng kỹ thuật bấm ngọn để hoa cúc Đà Lạt ra nhiều hoa hơn thay vì chỉ một hoa. Theo đó, khi hoa trồng được 12-15 ngày thì bấm ngọn và chăm sóc bình thường, sẽ cho 2-3 bông trên một cây, cây hoa cao hơn 1 m, hoa to và đẹp không thua kém hoa ở Đà Lạt. Anh còn trồng thử nghiệm thành công hoa cúc Nhật, cúc tím… Anh Sang còn lấy các loại giống hoa Đà Lạt và bỏ sỉ tại địa phương và các huyện: Cư Kuin, Lắk, Krông Búk… Hiện tại, anh đang gieo trồng 1.600 chậu hoa đồng tiền nhỏ, 250 chậu hoa cúc nhỏ, 1 tạ củ hoa lay ơn và cúc cắt cành 12.000 cây phục vụ cho dịp Tết.
Anh Trần Văn Nam đang gieo trồng hoa vụ Tết. |
Gia đình anh Trần Văn Nam, tổ dân phố Buôn Trấp (tổ viên tổ hợp tác) cũng đang chăm sóc 500 chậu hoa cúc đóa mới nhỏ, 1.000 chậu vạn thọ nhỏ, 500 củ hoa ly, 200 củ tulip, 200 chậu đồng tiền nhỏ, 1.500 bông hoa cúc lưới vàng.
Anh Nam cho hay, ở địa phương chưa ai trồng được hoa ly và hoa tulip; với mong muốn mang lại một thị trường hoa ngày Tết đa dạng với giống hoa mới mang lại kinh tế cao, anh tìm hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật chăm sóc và quyết định đưa 2 giống hoa này vào trồng thử nghiệm. Theo anh Nam, hoa ly và hoa tulip phù hợp với nhiệt độ thấp khoảng 20-25 độ C, nhưng nhiệt độ ở địa phương trung bình là 30 độ C, nên hoa dễ bị sốc nhiệt và chết, vì thế, anh đã tự chế tạo nhà kính, phủ thêm một lớp lưới đen bên trong và đang xây dựng hệ thống phun sương cho vườn hoa, làm giảm nhiệt độ ngoài trời và giúp hoa sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Nguyễn Xuân Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cho biết, tổ hợp tác trồng hoa ra đời đã đáp ứng nhu cầu hoa quanh năm tại địa phương, tạo nguồn thu nhập chính cho các hộ hội viên. Trước đây, huyện chủ yếu nhập hoa tươi từ Đà Lạt, nhưng đến nay địa phương có thể tự cung tự cấp phục vụ nhu cầu trên địa bàn và các huyện lân cận. Ưu điểm của hoa thị trấn Buôn Trấp là tươi lâu, bông to và đẹp, giá cả thấp hơn so với hoa Đà Lạt. Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, thử nghiệm nhiều giống hoa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật và từng bước sẽ hình thành vùng chuyên canh hoa.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc