Multimedia Đọc Báo in

Bản tính cũng như tên người

08:09, 09/02/2019

34 tuổi đời, Nguyễn Chí Công - Bí thư Đoàn xã Cư Klông (huyện Krông Năng) đã có một khối gia sản khiến nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, điều trân quý ở anh chính là sức trẻ với nhiệt huyết dám làm, dám thử sức, sống có mục tiêu và luôn lạc quan đeo đuổi nhiều ý tưởng. 

Học xong lớp 12, Công rời quê hương Thanh Hóa, lăn lộn đi làm thuê từ Hà Thành đến Sài Thành, cuối cùng “bến đậu” của Công là Đắk Lắk.

Từ sự giúp sức của họ hàng và 30 triệu đồng vay ngân hàng, năm 2007, Công quyết định mua 1,4 ha rẫy, trong đó phần lớn là đất sình lầy. Nhiều người bảo Công “khùng”, bỏ tiền mua mà lại chọn chỗ sình lầy. Anh chứng tỏ cái sự “không hề khùng” của mình bằng mô hình trên sình thì trồng cà phê, dưới sình thì trồng lúa để tự túc lương thực. Khi đã yên tâm lo được “ấm cái bụng”, năm 2008, Công mạnh dạn vét sình, múc thành 6 cái ao để thả cá.

Tận dụng đất múc ao, Công đắp thành bờ để trồng đủ các loại cây ăn trái như bơ, cam, bưởi, quýt và rau xanh. Chưa dừng lại ở đó, Công tiếp tục làm “con nợ của ngân hàng” để mua thêm đất xung quanh khu vực rẫy của mình với dự án quy hoạch và xây dựng thành khu cà phê dịch vụ gia đình. Ở đó, khách sẽ được uống cà phê sạch, thư giãn ngắm cảnh ao cá, vườn cây, thưởng thức trái cây và mua rau sạch ngay tại vườn. 

Nguyễn Chí Công chăm sóc vườn bơ.
Vườn bơ trồng xen cà phê của Nguyễn Chí Công

Hiện anh đang sở hữu 4 ha với mô hình vườn - ao, đa cây, trong đó 1.200 cây cà phê, năng suất ổn định 4 tấn nhân/ha và hàng trăm cây bơ booth, mỗi vụ cho thu hoạch xấp xỉ 1 tấn trái.  Chia sẻ về kỹ thuật trồng bơ, Công nói say sưa như một nhà khoa học thực thụ từ bỏ phân, ngắt nước tưới thế nào, xử lý mầm bệnh ra sao… Công bảo đó là những kinh nghiệm anh tích lũy được trong thời gian anh đi làm thuê cho các nhà vườn trước đây. 

Say mê làm nương rẫy, Công truyền cảm hứng ấy đến những đoàn viên của mình và theo anh, đó cũng chính là bí quyết để tập hợp được thanh niên nông thôn; bởi điều họ cần không phải là những lời nói giáo điều, sáo rỗng mà thực tế với những mô hình và cách làm cụ thể. Bởi vậy với Công, những buổi sinh hoạt Đoàn không phải chỉ có trên hội trường với bàn ghế, loa đài, bảng hiệu mà có khi là ngay trên vườn cây của gia đình anh hoặc của đoàn viên thanh niên nào đó. Anh cùng một số đoàn viên khác đang thực hiện kế hoạch những người có dòng bơ booth tập hợp lại để làm tổ hợp tác thanh niên, xây dựng thương hiệu, giải quyết vấn đề bài toán đầu ra của sản phẩm.

Tròn vai một Bí thư Đoàn xã, tất cả việc nương rẫy đều được Công làm tranh thủ, ấy là buổi sáng từ 5 giờ đến 7 giờ 30, chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. Bà con làng xóm, bạn bè nói về anh bằng tất cả sự cảm phục: Tay trắng mà làm nên cả. Tính Nguyễn Chí Công cũng như tên của anh, cần cù, chịu khó, có ý chí tiến thủ, không ngại thử sức. Còn Công thì khiêm tốn: “Mình chưa làm được gì nhiều. Mình không sợ nghèo, không có tiền mà chỉ sợ không có sức khỏe để thử sức và hiện thực hóa những ý tưởng của mình”. 

Việt Như


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.