Cấp bách phòng chống dịch tả heo Châu Phi
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, theo thông tin của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Việt Nam đã phát hiện có 8 ổ dịch tả heo Châu Phi (ASF) tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên, đã phát hiện virus gây ASF tại 2 hộ chăn nuôi; tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF. Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo của 8 hộ nêu trên, với tổng số 257 con, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch như lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm thịt lợn, đồng thời tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi, các chợ dân sinh.
Nguyên nhân gây bệnh được Cục Thú y nhận định có thể do nguồn vi rút phát tán qua các loài chim di cư từ nơi có khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn. Cũng có nguyên nhân từ thói quen của người dân, khách du lịch mang theo thực phẩm thịt lợn có mầm bệnh vào Việt Nam. Hiện Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức. Trước diễn biến phức tạp của Dịch ASF, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.
Cán bộ thú y kiểm tra một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. |
Trên cơ sở đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo phòng chống dịch ASF, đồng thời chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y ở các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo và các cơ sở giết mổ trên địa bàn, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống; Trạm kiểm dịch động vật trên các tuyến đường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, thịt heo ra, vào tỉnh… Theo đánh giá của Chi cục thì nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh ASF vào địa bàn Đắk Lắk khá cao bởi chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phục hồi trở lại sau một thời gian tạm lắng do giá heo hơi giảm sâu. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, mật độ chăn nuôi cao, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Mặt khác, việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật từ các nước láng giềng thông qua đường bộ, đường hàng không có nguy cơ làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo Châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. |
Trong khi đó, bệnh ASF có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo (bao gồm heo nuôi và heo hoang dã), gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100% khi heo bị nhiễm bệnh. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường, sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do đó nếu xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ mầm bệnh. Khó khăn nhất hiện nay là thế giới chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh ASF nên việc phòng bệnh là giải pháp cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, trong Công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật sau Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã lưu ý, trường hợp đàn heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi, chết không rõ nguyên nhân thì tiến hành khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn heo bệnh, tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định…
Trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Xuân Phú (huyện Ea Kar). |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng khuyến cáo, mặc dù đây là bệnh nguy hiểm trên đàn heo nhưng mầm bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt heo. Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm thịt heo được bán ở những địa chỉ tin cậy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu. Đối với người chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; hạn chế người lạ ra vào chuồng, trại; không dùng nước rác thải của các nhà hàng, quán ăn làm thức ăn cho heo…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc