Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế trang trại, gia trại: Hướng đi hiệu quả ở Cư Suê

09:40, 19/02/2019

Phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm qua, nhiều nông dân xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trại và gia trại.

Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại đang phát huy hiệu quả, có mức thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Giáo (thôn 1) có quy mô hơn 7 ha, trồng 3.500 trụ tiêu, 300 cây bơ, 200 cây sầu riêng, 600 cây cà phê, 40 cây vải và kết hợp chăn nuôi gần 1.000 con heo, 30 con bò, 70 con dê, 3.000 con gà, 500 m2 mặt nước nuôi cá… Trang trại được đầu tư khá kỹ và có định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là trang trại có quy mô lớn nhất ở xã Cư Suê. Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, dù trang trại mới chỉ có 600 cây cà phê, 1.000 trụ tiêu đang bước vào giai đoạn kinh doanh, 300 cây bơ cho thu bói và thu nhập chính vẫn từ chăn nuôi nhưng cũng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Giáo mỗi năm. Chỉ riêng năm 2018, trang trại đã xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn heo hơi, 5 tấn cá các loại, thu được 5 tấn tiêu, 1,3 tấn bơ, 2 tấn cà phê… với tổng lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 2,5 tỷ đồng, trong đó riêng lợi nhuận từ chăn nuôi heo hơn 2 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Ngọc Giáo (trái) đang giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc cây bơ.
Anh Nguyễn Ngọc Giáo (trái) đang giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc cây bơ.

Sẵn có diện tích đất rộng, năm 2010 gia đình anh Trần Văn Hùng (thôn 1) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Tham gia mô hình, anh được công ty hỗ trợ về con giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Trang trại hiện có diện tích hơn 2.000 m2, được chia làm hai khu chăn nuôi, với quy mô 10.000 con gà/lứa/khu nuôi. Trong trại có hệ thống cho gà ăn, uống nước tự động, giúp tiết kiệm nhân công. Sau 65 ngày nuôi, gà có thể xuất chuồng (bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,7 kg), anh Hùng được hưởng 4.000 – 5.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng của đàn gà và mức độ hao hụt. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư về nhân công, điện, nước…, gia đình anh Hùng có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/lứa/khu nuôi, nhiều lứa đạt 40 – 50 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình anh Hùng xuất chuồng 3 lứa gà, tổng thu nhập đạt từ 150 đến hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu nhập khá từ việc bán phân gà cho các hộ dân trên địa bàn…

Được biết, kinh tế trang trại, gia trại bắt đầu phát triển mạnh tại xã Cư Suê từ năm 2010 đến nay. Mới đầu chỉ có các trại chăn nuôi gà gia công, hiện đã phát triển và nhân rộng ra thêm nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, trên địa bàn xã có 22 trang trại và gia trại, hầu hết đều được xây dựng xa khu dân cư; trong đó, có 18 gia trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, 1 trang trại vườn – ao – chuồng, còn lại là các trại trồng hoa, rau an toàn, vừa sản xuất, vừa chế biến cà phê… Nhờ nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất khoa học nên nhìn chung các trang trại, gia trại trên địa bàn xã đều đang làm ăn có lãi, với mức doanh thu bình quân đạt hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm....

Anh Nguyễn Ngọc Giáo trong khu vực nuôi heo của trang trại gia đình.
Anh Nguyễn Ngọc Giáo trong khu vực nuôi heo của trang trại gia đình.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: “So với sản xuất thông thường thì mô hình kinh tế này đem lại hiệu quả cao và ổn định hơn, bởi các trang trại, gia trại đều có đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ rất tốt, từ đó hiệu quả sản xuất đạt khá cao. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra, nhất là tại các trại chăn nuôi gà gia công đều được các doanh nghiệp bao tiêu nên không xảy ra tình trạng sản phẩm bị ế, tồn đọng... Kinh tế trang trại, gia trại phát triển cũng đã góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.