Multimedia Đọc Báo in

Phấp phỏng vụ tiêu mới

11:03, 22/02/2019

Nông dân đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2019. Năm nay, giá hồ tiêu tiếp tục chạm mốc đáy mới - trên dưới 45.000 đồng/kg - đã có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Theo khảo sát, nông dân bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay muộn hơn so với những năm trước do cách canh tác cũng như tác động của giá cả thị trường.

Ông Trần Trung Trực (thôn Tân Thành, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) có 5 sào hồ tiêu xen canh cà phê cho hay, những năm trước mùa thu hoạch hồ tiêu cận tết, giá cao, nông dân vừa phải tuần tra, bảo vệ vườn cây thường xuyên, vừa phải tập trung thu hái cho kịp thời vụ cùng với các hộ lân cận. Trong khi đó nguồn nhân công tại chỗ rất hạn chế đã gây nên tình trạng “khát” nhân công mùa thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay giá tiêu đầu vụ rớt xuống còn trên dưới 45.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống còn 43.000 đồng/kg, khiến người dân không mấy mặn mà trong việc thu hoạch. Do đó, mặc dù đang là mùa thu hoạch rộ, nhưng không khí thu hái ở các vùng trồng tiêu vẫn không cấp tập như trước đó. Bên cạnh đối mặt với giá tiêu xuống thấp, nông dân còn phải loay hoay với mối lo thuê nhân công sao để bớt lỗ.

Riêng vườn hồ tiêu của gia đình được trồng xen, đa phần dây tiêu bám vào hệ thống cây che bóng, chắn gió lên khá cao khiến việc thuê nhân công vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn bởi người làm thuê ngại leo cao cũng như ngại di chuyển thang từ cây này qua cây kia mất nhiều thời gian.

Nông dân huyện  Cư M'gar  thu hoạch tiêu.
Ông Trần Trung Trực, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) phơi tiêu sau khi thu hái.

Tương tự, ông Bùi Văn Phú (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cho hay, hiện tại gia đình đang tập trung thu hoạch vườn hồ tiêu trồng xen cà phê rộng 6 sào (400 trụ tiêu). Năm nay giá tiêu thấp nên gia đình có sự điều chỉnh trong việc đầu tư, cụ thể là chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng hạn chế mua phân bón so với những năm trước nên chi phí đầu tư ước khoảng 20 triệu đồng. Đồng thời, gia đình thu hoạch muộn hơn, khi tỷ lệ quả chín trên cây đạt từ 80-90% để hồ tiêu có đủ thời gian chắc hạt, chín đỏ nhằm tăng tỷ lệ tiêu sọ trên vườn lên cũng như tăng điểm cộng khi bán cho thương lái thông qua việc đánh giá chất lượng (cộng Zem). Vì vậy, sản lượng thu về ước đạt khoảng 1 tấn tiêu hạt.

Nông nghiệp là ngành chịu nhiều tác động rủi ro do thời tiết cũng như giá cả thị trường nên những năm gần đây người dân luôn chú trọng việc cân đối chi phí đầu tư và khoản lợi nhuận thu về trên mỗi cây trồng. Do đó, song song với việc thu hoạch, bà con còn phải tính toán các chi phí liên quan nhằm hạn chế tối đa sự rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường cũng như có khoản kinh phí nhất định để chăm sóc vườn cây sau mùa thu hoạch.

Theo phân tích của ông Vũ Tấn Thiện (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) thì vào những thời điểm giá tiêu đạt đỉnh trên dưới 200.000 đồng/kg (giai đoạn 2014-2016), gia đình luôn tất bật với việc chăm sóc, thu hoạch vườn hồ tiêu rộng 8 sào (trồng năm 2004) bởi thời điểm đó hồ tiêu là “vàng đen” của nông dân. Các thông tin về giá cả, diện tích, kỹ thuật trồng, chăm sóc được cập nhật hằng ngày với mong muốn đạt mốc sản lượng cao nhất và bán vào thời điểm tốt nhất để có nguồn lợi lớn nhất. Tuy nhiên, sự tuột dốc quá nhanh của giá hồ tiêu thời gian gần đây buộc gia đình phải hạn chế việc đầu tư, nhưng việc chăm sóc vẫn duy trì để giữ vườn nên sản lượng giảm mạnh, chỉ thu được khoảng 1 tấn tiêu hạt. Lấy công làm lãi, ước tính nguồn vốn đầu tư vườn cây của gia đình khoảng 33 triệu đồng, trong đó chi phí chăm sóc 24 triệu đồng, chi phí nhân công mùa thu hoạch là 9 triệu đồng. Vì vậy, gia đình dự tính chỉ bán 1/3 số tiêu thu được để tái đầu tư, phần còn lại sẽ tích trữ chờ giá lên.

Nông dân huyện  Cư M'gar  thu hoạch tiêu
Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch tiêu

Song song với việc hạn chế đầu tư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì năm nay, người dân chờ cho tiêu chín mới thu hái nên chất lượng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, giá tiêu xuống thấp, nông dân chỉ còn cách lấy công làm lãi, nhiều trường hợp chấp nhận thuê nhân công, thu bù chi để giữ vườn cây, nuôi hy vọng trong những năm tới.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có khoảng 38.423 ha hồ tiêu, giảm 194 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Tuyết – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.