Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

10:26, 26/03/2019

Năm 2013, sau khi học xong THCS, do hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Đức Thành (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) quyết định ở nhà phụ giúp gia đình chăm sóc 1,1 ha cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, kết hợp trồng hoa, nuôi cá.

Tuy nhiên, do đất của gia đình thuộc vùng thấp trũng, chất đất không phù hợp nên cà phê, hồ tiêu kém năng suất, giá bò trên thị trường lại xuống thấp khiến cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn…

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thành quyết tâm tìm một hướng đi khác để thay đổi cuộc sống. Qua tìm hiểu, nhận thấy trồng cây ăn quả vừa tốn ít công chăm sóc mà thu nhập lại cao, anh Thành đã đến tận các tỉnh miền Tây Nam bộ, vùng đất trồng cây ăn quả phát triển mạnh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu về các loại cây trồng phù hợp với chất đất của gia đình. Năm 2015, anh bàn với gia đình phá bỏ một số diện tích cây trồng và đưa vào trồng 100 cây dừa xiêm dứa, dừa xiêm xanh lùn. Anh chịu khó đọc sách, báo, xem tivi, truy cập mạng Internet tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc để cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Sau 4 năm trồng, anh Thành đã có vườn dừa sai trĩu quả, mỗi cây dừa cho 18 – 24 buồng/năm, bình quân mỗi buồng được 8 trái. Với giá bán trung bình 10.000 đồng/trái, vườn dừa đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Anh Nguyễn  Đức Thành (trái) giới thiệu  mô hình kinh tế của gia đình  với cán bộ Đoàn xã Quảng Hiệp.
Anh Nguyễn Đức Thành (trái) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình với cán bộ Đoàn xã Quảng Hiệp.

Anh Thành tiếp tục đầu tư trồng 200 gốc dừa xiêm xanh lùn, dừa xiêm dứa và mở rộng thêm diện tích trồng các loại cây ăn trái khác nhằm tạo sự đa dạng các loại cây trồng, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Đến nay, anh đã xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp với quy mô 2,2 ha, trong đó có 2.000 m2 trồng hoa, 8.000 m2 ao cá và trồng hơn 1.200 cây ăn quả các loại (gồm: 300 cây dừa xiêm dứa, dừa xiêm lùn, 300 cây ổi lê – Đài Loan, 100 cây vú sữa, 60 cây hồng xiêm, 200 cây chanh tứ quý, còn lại là các loại cây khác…). Trong quá trình canh tác, anh đã chủ động áp dụng biện pháp tưới nước tự động giúp tiết kiệm nhân công; không sử dụng phân hóa học. Đặc biệt, nhờ áp dụng phương pháp bao túi cho trái, trái cây không bị rạm nắng, giảm được tỷ lệ bị hư hỏng, thối do ảnh hưởng của thời tiết và côn trùng gây ra…

Đến nay, sau gần 5 năm xây dựng mô hình, gia đình anh Thành đã có nguồn thu nhập đáng kể. Bình quân mỗi năm anh xuất bán ra thị trường 6 - 7 tấn cá các loại, trên 10 tấn ổi và gần 1 tấn dừa…; giá cả tùy thuộc vào sự biến động của thị trường đối với từng loại sản phẩm, tổng thu nhập đạt 400 – 450 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư gia đình anh có lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Dự kiến thu nhập của gia đình anh thời gian tới sẽ còn cao hơn nữa khi những cây trồng còn lại bước vào giai đoạn kinh doanh.

Anh Thành chăm sóc vườn ổi.
Anh Thành chăm sóc vườn ổi.

Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Đức Thành đã trở thành địa điểm được nhiều bà con nông dân trong và ngoài địa bàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc