Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ năng động vươn lên làm giàu

09:39, 21/03/2019
Năm 1996, chị Nguyễn Thị Nga từ quê hương Hà Nam theo chồng vào thôn 1, xã Cư Prao (huyện M’Đrắk). Đến năm 2008 thì vợ chồng chị chuyển về thôn 8 (xã Cư Prao) lập nghiệp cho đến nay.
 
Những năm đó, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Xác định cây ngắn ngày không đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, lại nhanh thu hồi vốn nên thời gian đầu vợ chồng chị Nga tập trung trồng các loại cây như: đậu xanh, cây mè, cây mía. Tích lũy được chút vốn, vợ chồng chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi; dần dần kinh tế gia đình chị từng bước ổn định.
 
Chị Nga trong vườn cây ăn quả của gia đình.
Chị Nga trong vườn cây ăn quả của gia đình.
Năm 2013, nhận thấy Cư Prao là địa bàn có nguồn nông sản phong phú nhưng tiêu thụ chậm và nông dân thường bị thương lái ép giá do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, chị Nga bàn với chồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư kinh doanh các loại nông sản sẵn có ở địa phương mang đi tiêu thụ ở những nơi khác. Với phương châm lấy chữ tín làm đầu, dần dần cơ sở kinh doanh của gia đình chị tạo dựng được uy tín với khách hàng, việc kinh doanh ngày càng phát đạt, địa bàn thu mua được mở rộng. Đến nay gia đình chị Nga đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập cao, ổn định với mức trên 500 triệu đồng/năm từ 10 ha trồng cây ăn quả, mía, hoa màu kết hợp chăn nuôi và thu mua nông sản.
 
Điều đáng trân trọng hơn là chị Nga không chỉ làm giàu cho gia đình mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên phụ nữ và các hộ khó khăn trong xã vươn lên. Nhiều năm liền gia đình chị được công nhận gia đình văn hóa và chị Nga được Hội Phụ nữ các cấp biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế.
 
Mỹ Sự
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.