Multimedia Đọc Báo in

Phát triển doanh nghiệp: Chuyển biến từ những giải pháp đồng bộ

08:27, 22/03/2019
Thời gian qua, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
 
Để cụ thể hóa cam kết lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, ngày 12-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND về tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính công và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Sản xuất giày dép tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar.
Sản xuất giày dép tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ký Bản cam kết với Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) về “Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Ngoài ra, duy trì hiệu quả Ngày thứ Năm doanh nghiệp, Chương trình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp vào sáng thứ Ba hằng tuần để lãnh đạo tỉnh và các ngành trực tiếp lắng nghe và giải quyết những khó khăn của các dự án, các doanh nghiệp và tham vấn hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân về cơ chế chính sách, trao đổi thông tin đến hoạt động đầu tư, kinh doanh…
 
Xác định mục tiêu là đem đến sự thuận lợi, hài lòng cao nhất cho doanh nghiệp, các sở, ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Đáng chú ý là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, kết hợp với phương thức thanh toán điện tử. Cụ thể, Hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp Một cửa điện tử liên thông của tỉnh (iGate) đã tích hợp với các phần mềm chuyên ngành của các sở, ngành. Đến nay, hệ thống iGate đã cung cấp 614 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiếp nhận gần 190.000 hồ sơ và đã giải quyết 181.241 hồ sơ theo cơ chế Một cửa điện tử liên thông.
 
Dây chuyền sản xuất bia chai tại Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk.
Dây chuyền sản xuất bia chai tại Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk.
Đối với lĩnh vực xây dựng, cơ quan chức năng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công từ 5 đến 10 ngày. Còn trong lĩnh vực thuế, 100% doanh nghiệp đã thực hiện kê khai qua mạng, 99,7% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử qua ngân hàng, 97,6% tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước được thực hiện qua giao dịch điện tử.
 
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000-12.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 30-35% tổng sản phẩm xã hội, chiếm 80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh.
 
 

Về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động giảm thời gian giải quyết 26 thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc theo quy định xuống còn 1 ngày. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia đã tạo quy trình trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, môi trường kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.463 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, trong năm 2018 có 1.004 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 162 chi nhánh doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động, 256 doanh nghiệp hoạt động trở lại và từ đầu năm 2019 đến nay, có 267 doanh nghiệp mới, 146 đơn vị hoạt động trở lại.
 
Theo ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp của tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh, chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ đào tạo nhân lực, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, dự kiến trong quý II năm nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ chính thức đi vào hoạt động, sẽ giải quyết gần 80% thủ tục hành chính trong năm 2019, đến năm 2012, 100% thủ tục sẽ đưa vào giải quyết tại trung tâm này.
 
Minh Thông
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.