Tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh cho heo
Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng có xu hướng lan rộng, toàn tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh.
Nhiều dấu hiệu bệnh bất thường
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến đầu tháng 3-2019 đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo châu Phi, trong đó có Việt Nam. Tốc độ lây lan dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam đang diễn biến khá nhanh. Ngày 17-3 cả nước ghi nhận 18 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi, chỉ sau 2 ngày - tức ngày 20-3 đã tăng lên 20 tỉnh, thành phố. Hiện tại, dịch đã xuất hiện ở tỉnh Thừa - Thiên Huế nên các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam đang có nguy cơ cao.
Chăn nuôi heo khép kín tại huyện Buôn Đôn. |
Heo là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh ta với tổng đàn 765.900 con. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh tuy chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi nhưng bệnh lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp, khác thường khi ổ bệnh đầu tiên xảy ra ở thôn, xã này nhưng ổ bệnh thứ 2 lại xảy ra ở xã khác nên số địa phương cấp huyện, thị xuất hiện bệnh tăng mạnh. Đến ngày 20-3 toàn tỉnh có 8/15 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện bệnh lở mồm long móng, một huyện đang có dấu hiệu bệnh (hiện đang chờ kết quả xét nghiệm). Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì bệnh tiếp tục có dấu hiệu gia tăng. Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, khi nhận được tin báo heo của người dân có dấu hiệu sốt, bỏ ăn thì ngay lập tức ngành cử cán bộ thú y đến lấy mẫu gửi đi kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời. Điều đáng lo là bệnh có dấu hiệu nhảy cóc từ thôn, xã của huyện này sang thôn, xã của huyện khác ở khoảng cách khá xa khiến cho việc ngăn chặn, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ động phòng, chống
Trước nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn heo, chiều 20-3 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi và bệnh lở mồm long móng. Các vấn đề nóng liên quan đến công tác phòng, chống dịch, dập dịch, phương án hỗ trợ người dân khi xảy ra dịch bệnh được ngành chức năng đưa ra mổ xẻ nhằm tìm phương hướng giải quyết tốt nhất có thể. Theo ghi nhận tại Hội nghị, mức tiêu thụ thịt heo trên thị trường đang giảm mạnh, ước tính giảm khoảng 40% khiến giá heo cũng giảm theo. Mức hỗ trợ 80% giá thị trường cho các gia đình có heo bị bệnh không bảo đảm được nguồn thu nhập cho người dân bởi giá heo hiện tại đang giảm mạnh. Do đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã kiến nghị mức hỗ trợ tối thiểu 80% giá heo hơi với mức giá từ 35.000-38.000 đồng/kg để chia sẻ khó khăn với nông dân cũng như ngăn chặn tình trạng giấu bệnh, bán chạy hay vứt heo bị bệnh ra ngoài mà không xử lý.
Ông Lê Chí Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V thông tin, so với các địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên thì số lượng heo nhiễm bệnh lở mồm long móng tại Đắk Lắk ít nhưng số địa phương xuất hiện bệnh lại nhiều. Qua kiểm tra thực tế thì hiện nay Đắk Lắk có 2 huyện xảy ra dịch bệnh từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Cụ thể, huyện Cư Kuin xuất hiện dịch bệnh từ ngày 26-1-2019 ở 8 hộ, 8 thôn, 4 xã là Cư Êwi, Ea Bhốk, Dray Bhăng, Ea Tiêu với 183 con, chết và tiêu hủy 176 con; huyện Krông Bông xuất hiện bệnh từ ngày 28-2-2019 tại 13 hộ, 6 thôn, 5 xã là Cư Kty, Ea Trul, Hòa Phong, Hòa Sơn, Dang Kang, đã chết và tiêu hủy 298/298 con heo. Nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân rất lớn nếu bệnh tiếp tục bùng phát và lây lan, do đó Đắk Lắk cần phải cân nhắc phương án hỗ trợ vắc xin cho người chăn nuôi ở những vùng chưa xuất hiện dịch bệnh. Việc hỗ trợ tiêm phòng cho đàn heo vừa bảo vệ tài sản của nông hộ vừa có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch mà chi phí lại rẻ hơn rất nhiều so với phương án trợ giá khi xuất hiện dịch bệnh. Đặc biệt, nếu không kịp thời ngăn chặn sự lây lan của bệnh lở mồm long móng trên đàn heo thì việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi sẽ khó khăn hơn. Bởi dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc tiêm phòng cũng như điều trị, chỉ có con đường duy nhất là ngăn chặn mọi nguồn cơn trung gian lây lan dịch bệnh.
Nông dân huyện Cư Kuin vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn heo của gia đình. |
Vi rút gây ra dịch tả heo châu Phi gây bệnh trên heo rừng, heo nhà và có sức đề kháng rất mạnh, chúng có thể duy trì sự sống qua các loại côn trùng, thức ăn, phương tiện vận chuyển, thậm chí qua yếu tố con người (cư trú trên quần áo, dụng cụ lao động). Do đó, các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh về việc thành lập chốt chặn tại Quốc lộ 14C, đoạn giáp với tỉnh Gia Lai; chốt tạm thời tại xã Ea Lai, huyện M’Đrắk trên đường Đông Trường Sơn theo hướng “ngăn sông cấm biển” tạm thời, tập trung tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ tỉnh ngoài vào Đắk Lắk.
Để có kinh phí chi cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đại diện Sở Tài chính và chính quyền địa phương các cấp đã đề xuất phương án sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của các huyện, của tỉnh để chi trả cho việc mua hóa chất, vôi, vắc xin phòng, chống dịch bệnh cũng như chi trả hỗ trợ cho người dân khi có heo bị bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên. Song hành với đó, các đại biểu cũng kiến nghị, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì tiến hành chỉ định thầu đơn vị cung cấp hóa chất, thuốc khử trùng, dụng cụ…, đặc biệt là sớm cung ứng vắc xin để đối phó, ngăn chặn với bệnh lở mồm long móng tại các huyện Cư Kuin, Krông Bông.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để chăn nuôi an toàn, người dân nên mua heo giống ở các cơ sở có uy tín, tiêm phòng đầy đủ theo lịch trình Bộ NN-PTNT đưa ra, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại… |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc