Multimedia Đọc Báo in

Tưới tiết kiệm nước: Hiệu quả cao nhưng "khó" vốn đầu tư

09:50, 26/03/2019

Trước tình trạng khô hạn có xu hướng ngày càng kéo dài, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Buôn Hồ đánh giá là giải pháp chống hạn hiệu quả cho cây trồng, nhưng người dân vẫn còn e ngại do chi phí khá cao.

Mặc dù đang là đỉnh điểm của hạn hán ở Tây Nguyên nhưng vườn cà phê xen hồ tiêu và các loại cây ăn trái của gia đình anh Trần Đại Hải (phường An Lạc) vẫn xanh tốt, năng suất ổn định. Lý giải về nguyên nhân, anh Hải cho biết, gia đình đã áp dụng công nghệ béc tưới nước tiết kiệm được 3 năm nay cho 6 ha vườn. Cách làm này cho hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm từ 4 - 6 triệu đồng/ha/năm tiền công tưới, tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước nưới. Đây cũng là biện pháp có hiệu quả hơn hẳn công nghệ tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt của Israel.

Anh Trần Đại Hải (bìa phải) giới thiệu với anh Lê Minh Tùng về mô hình tưới nước tiết kiệm.
Anh Trần Đại Hải (bìa phải) giới thiệu với anh Lê Minh Tùng về mô hình tưới nước tiết kiệm.

Hệ thống béc được thiết kế gồm máy bơm 3 pha, các đường ống nhựa cứng PVC và nguồn nước từ giếng khoan. Nước bơm được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và đường ống nhánh. Trên ống nhánh, lắp các ống phun cao khoảng 0,6 – 0,7 m so với mặt đất và có gắn vòi phun mưa, được bố trí nằm giữa 4 cây xung quanh, trung bình mỗi sào lắp 50 – 60 béc tưới.

 
“Cách tưới tiết kiệm mới này thật sự rất hiệu quả. Nếu trước đây cần nhiều người để tưới, thì nay chỉ cần một người vặn van xả nước là đã đủ tưới cho hơn 2.000 gốc tiêu trên diện tích hơn 2 ha của gia đình”.
 
Anh Trần Đại Hải (phường An Lạc)

Đầu mùa khô năm nay, nhận thấy thời tiết biến đổi không thuận lợi cho nhà nông, anh Lê Minh Tùng (phường An Lạc) quyết định sẽ làm theo hệ thống béc tưới tiết kiệm nước như gia đình anh Hải cho toàn bộ 3 ha vườn của mình. Anh Tùng cho biết, tưới theo cách mới này không chỉ giảm lượng nước tưới không cần thiết mà có thể tiết kiệm được 50% tiền điện vì tưới được 2 giờ/sào thay vì 4 giờ/sào so với tưới truyền thống. Đồng thời còn có thể bón phân theo đường nước tưới tự động nên rất tiện lợi. Dù đã nhận thấy hiệu quả tiết kiệm nước rõ rệt nhưng anh Tùng còn hơi băn khoăn vì giá thành khá cao, trung bình khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha, khiến nhiều người dân không đủ năng lực đầu tư.

Cùng chung nỗi băn khoăn này nên ông Phạm Quốc Hạo, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiện Bản vẫn đang phân vân khi giới thiệu và vận động các thành viên trong HTX ứng dụng tưới nước tiết kiệm. “Chi phí khá lớn nên không dễ gì người nông dân bỏ tiền ra đầu tư tưới nước tiết kiệm, nhất là với cây cà phê. Giá cà phê đang giảm, hiện chỉ khoảng 33.000 – 34.000 đồng/kg, mới chỉ đủ để người dân hòa vốn chứ chưa có lời”, ông Hạo lo lắng. Hiện nay, HTX Thiện Bản có diện tích cây trồng gần 120 ha với 51 hộ thành viên và liên kết, tuy nhiên chỉ có 1 hộ ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và 4 hộ đang chuẩn bị triển khai.

Theo ông Hạo, việc nghiên cứu, triển khai và đầu tư kinh phí đều do người dân hoàn toàn chủ động chứ chưa có sự hỗ trợ, tác động nào từ các cơ quan chuyên môn, khiến mô hình này trở nên hạn chế. Do đó, rất cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp để bà con có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng rộng rãi công nghệ này. Mặt khác, cơ quan chuyên môn cần phối hợp với các địa phương tuyên truyền sâu rộng công nghệ tưới nước tiết kiệm đến bà con; triển khai các mô hình trình diễn nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho nông dân vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để đầu tư hệ thống.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.