Multimedia Đọc Báo in

Cần bình tĩnh trước thông tin dịch bệnh

08:53, 09/04/2019

Thông tin về dịch tả heo châu Phi và dịch bệnh lở mồm long móng đã làm ảnh hưởng xấu đến sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần bình tĩnh và không nên “tẩy chay” thịt heo ra khỏi bữa ăn hằng ngày.

Trên thực tế, không ít người tiêu dùng đang băn khoăn, e ngại khi sử dụng thịt heo. Hiện sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi so với trước. Ở các siêu thị, trung tâm thương mại, thịt heo đang có sức mua tăng cao. Tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột và Siêu thị VinMart Buôn Ma Thuột, sức mua thịt heo đã tăng 25% so với thời điểm chưa có dịch. Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, hiện bình quân mỗi ngày siêu thị bán ra khoảng 3 tạ thịt. Nguồn thịt đang bán ra ở siêu thị là nguồn nhập trực tiếp tại địa phương, được kiểm dịch và bảo đảm an toàn khi bán đến tay khách hàng. Hiện tại, giá được giữ ổn định từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Sức mua thịt heo tại chợ dân sinh ở TP. Buôn Ma Thuột đang giảm rõ rệt.
Sức mua thịt heo tại chợ dân sinh ở TP. Buôn Ma Thuột đang giảm rõ rệt.

Trái ngược với kênh phân phối hiện đại, tại các chợ truyền thống trên địa bàn sức mua đã giảm rõ rệt, nhiều quầy thịt rơi vào cảnh ế ẩm. Trong khi đó, hầu hết tiểu thương đều khẳng định, thịt đang bán được kiểm soát tốt nguồn cung và chỉ bày bán thịt đã qua kiểm dịch của cơ quan Thú y. Song người tiêu dùng hiện nay có xu hướng vào siêu thị, trung tâm thương mại mua thịt heo vì tin tưởng sẽ an toàn hơn. Cùng với tâm lý e ngại, người dân đã giảm ăn thịt heo khiến sức mua đi xuống. Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Tân Hòa cho hay, lượng thịt bán ra đã giảm một nửa so với trước. Theo chị Nguyễn Thị Lượng, tiểu thương bán thịt chợ Tân Hòa, thay vì bán với mức giá bình thường thì chị chấp nhận sụt giảm lợi nhuận, bán rẻ hơn 2-3 giá nhưng vẫn không thu hút được người mua.

Theo cơ quan chức năng của tỉnh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi. Công tác phòng chống dịch bệnh này vẫn đang được kiểm soát tốt. Tại các huyện, thị xã, thành phố, việc chủ động phòng ngừa đang được triển khai quyết liệt. Riêng đối với dịch lở mồm long móng, tính đến hiện tại, đã 10 huyện, thị, thành phố phát hiện các đàn heo bệnh và có gần 1.800 con heo bị bệnh, hầu như phải tiêu hủy. UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm với bệnh lở mồm long móng ra, vào vùng dịch. Song song với đó, các địa phương chưa có dịch phải chủ động và tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc để xử lý kịp thời nếu dịch xảy ra. Sở NN-PTNT cũng đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp về phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc theo quy định.

Xịt hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại tại huyện Cư M'gar.
Xịt hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại tại huyện Cư M'gar.

Trước tâm lý e ngại sử dụng thịt heo của người dân, Sở Công thương đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường. Theo đó, Sở Công thương đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt heo an toàn đã được cơ quan Thú ý xác nhận; tham gia chương trình bình ổn giá thịt heo, mở các điểm bán hàng thịt heo lưu động được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm bán thịt heo có giá rẻ, sạch, có kiểm định chất lượng đến tay người tiêu dùng, đồng thời tạo niềm tin và kích cầu tiêu dùng trong dân. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt heo; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đưa tin chính xác về dịch bệnh, tránh gây hoang mang trong dư luận về tiêu dùng sản phẩm thịt heo trên địa bàn...

Với vai trò chủ công trong kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc buôn bán, vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch hoặc bất hợp pháp trên thị trường. Trong đó, chú trọng tại các đầu mối giao thông, cửa ngõ ra vào thành phố, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo...

Đặc biệt, để trấn an người dùng, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra những thông tin khuyến cáo. Theo đó, dịch tả heo châu Phi không lây sang người, còn bệnh lở mồm long móng rất hiếm khi lây sang người. Do đó, người dân không nên “tẩy chay” thịt heo mà chỉ nên tránh những sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch và cách chế biến không đúng cách. Nếu người dân mua thịt heo tươi mới, ở những nơi có uy tín, qua kiểm dịch và chế biến đúng cách, nấu chín thì vẫn an toàn trước “tâm bão” dịch bệnh.

Nếu heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi thì sẽ có những dấu hiệu đặc trưng như: trên da và tai heo có những đốm xuất huyết lấm tấm, tai heo có màu tím xanh. Khi heo bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết. Miếng thịt nhiễm tả heo châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt. Đối với thịt heo bị lở mồm long móng thường có các dấu hiệu: có tụ huyết màu đỏ ở phần đùi, bẹn, nách, mỡ heo ngả màu hơi đỏ, nội tạng có màu sắc khác thường do bị tụ huyết. Mặt khác, thịt heo bệnh cũng không có độ đàn hồi, ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.