Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với hạn hán

14:20, 06/04/2019

Trước dự báo hạn hán diễn biến phức tạp trong năm 2019, chính quyền và người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, những cách làm sáng tạo để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng…

Điều tiết nguồn nước tưới hợp lý cho cây trồng trong mùa khô

Ngay từ đầu năm 2019, huyện Lắk đã xây dựng các phương án phòng, chống hạn nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng trên địa bàn.

Toàn huyện Lắk có 3 địa phương có khả năng hạn cao là xã Đắk Liêng, Yang Tao và Bông Krang. Trong đó, xã Đắk Liêng có khả năng hạn tại một số khu vực như: cuối kênh N2 thuộc công trình thủy lợi Đắk Liêng, khoảng 40 ha; cánh đồng các thôn M’liêng và Hòa Bình 1, 2, 3, với khoảng 308 ha; khu vực cuối kênh N1, N2 thuộc cánh đồng buôn Yang Lah 1, 2, khoảng 20 ha. Tại xã Yang Tao có khả năng hạn 27 ha và xã Bông Krang khoảng 17 ha.

Công trình đập dâng tại xã Đắk Liêng (huyệnLắk) phục vụ tưới cho cánh đồng trên địa bàn.
Công trình đập dâng tại xã Đắk Liêng (huyệnLắk) phục vụ tưới cho cánh đồng trên địa bàn.

Vụ sản xuất đông xuân 2018 - 2019, ngành Nông nghiệp huyện Lắk đưa ra mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và chủ động nguồn nước tưới trong những tháng mùa khô. Theo đó, tổng diện tích cây trồng được giao vụ đông xuân 2018 - 2019 là 6.128 ha, trong đó cây lúa nước chiếm hơn 82,4%, tương đương 5.051 ha. Nguồn nước từ các công ty thủy lợi chủ yếu phục vụ tưới cho số diện tích lúa nước trên địa bàn các xã và thị trấn Liên Sơn, trong đó hơn 4.000 ha do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk, Chi nhánh huyện Lắk đảm nhận.

Căn cứ vào lượng mưa bình quân trên địa bàn năm trước, ngay từ đầu vụ đông xuân 2018 - 2019, Chi nhánh đã lập phương án cụ thể cho các công trình. Trong đó, biện pháp hàng đầu là thực hiện tưới tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát nước. Tính đến tầm giữa tháng 3-2019, trong 20 hồ chứa do Chi nhánh quản lý có 11 hồ mực nước đạt từ 50-80% và 9 hồ mực nước nhỏ hơn 50% so với thiết kế. Do đó, về cơ bản các hồ bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng trong kế hoạch sản xuất, đặc biệt các hồ chứa lớn như công trình thủy lợi Buôn Triết, Buôn Tría đảm bảo phục vụ tưới đến cuối vụ.

Cùng với đó, Chi nhánh huyện Lắk cũng đã lập lịch tưới chi tiết cho từng công trình thủy lợi, đồng thời cử một cán bộ trực điều tiết nước để hạn chế thấp nhất nguồn nước bị sử dụng lãng phí. Đơn cử như hồ chứa Khe Môn (xã Buôn Triết), trong tháng 3 thời gian mở nước tưới là 10 ngày; đập dâng La Tăng Pô (xã Yang Tao) lịch tưới 16 ngày. Đối với các công trình thủy lợi lớn như hồ Buôn Tría (xã Buôn Tría) và hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết) mở nước tưới hết tháng… Việc lập lịch cụ thể đối với từng công trình thủy lợi góp phần hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nước đầu vụ, tiết kiệm nước tưới đến cuối vụ; đồng thời giúp bà con chủ động trong việc chăm sóc, phân bón cho cây trồng để đạt năng suất cao nhất.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 3-2019, toàn huyện có 50 ha lúa nước bị hạn, trong đó 40 ha nằm ngoài kế hoạch sản xuất vụ đông xuân – là những vùng không chủ động được nguồn nước tưới, không có các công trình thủy lợi. Còn lại 10 ha mặc dù nằm trong khu vực có công trình thủy lợi, nhưng diện tích này ngoài kế hoạch sản xuất của huyện. Ông Lê Xuân Chung, Giám đốc Chi nhánh huyện Lắk cho biết, trong tháng 4-2019 thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, dự báo mực nước tại các suối trên địa bàn các xã Đắk Phơi, Đắk Liêng, Bông Krang, Yang Tao và một số hồ nhỏ ở xã Buôn Triết sẽ tiếp tục giảm mạnh. Do đó, Ban giám đốc Chi nhánh đã yêu cầu cán bộ, nhân viên phụ trách công trình thủy lợi tiến hành nạo vét dẫn dòng, khơi thông dòng chảy trong hồ và bơm tát từ mực nước chết của các hồ qua các cầu cống đầu mối. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, báo cáo mực nước tại lòng hồ, công trình thủy lợi, kết hợp điều tiết, tưới nước tiết kiệm để kéo dài khả năng phục vụ tưới cho các công trình đến cuối vụ.

UBND huyện Lắk cho biết, dự kiến tổng kinh phí phục vụ chống hạn vụ đông xuân 2018-2019 trên địa bàn huyện là hơn 903 triệu đồng. Trong đó, đầu tư các công trình thủy lợi 640 triệu đồng, hỗ trợ chống hạn hơn 234 triệu đồng và hỗ trợ bơm điện vượt định mức trên 29 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các đơn vị liên quan và địa phương trên địa bàn đã thực hiện nghiêm phương án chống hạn. Đặc biệt, các địa phương đã huy động người dân, các tổ chức đoàn thể ra quân làm thủy lợi để tạo nguồn nước, nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước tới ruộng và chống thất thoát nước. Nhờ vậy, tính đến đầu tháng 4-2019, các công trình hồ, đập trên địa bàn cơ bản cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.

Những cách làm sáng tạo của nông dân Ea H’leo

Đang giai đoạn cao điểm của mùa khô năm 2019, nhiều hộ dân ở huyện Ea H’leo đã có những cách làm sáng tạo nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng.

Mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp làm màng phủ nylon cho vườn cà phê của anh Lê Quý (xã Dlie Yang, huyện Ea H'leo).
Mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp làm màng phủ nylon cho vườn cà phê của anh Lê Quý (xã Dlie Yang, huyện Ea H'leo).

Một trong những biện pháp hữu hiệu để ứng phó với điều kiện thời tiết khô hạn được nông dân trên địa bàn huyện Ea H'leo áp dụng là tưới tiết kiệm nước. Đầu năm 2018, anh Lê Quý ở thôn 3 (xã Dlie Yang) quyết định lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho 3 ha cà phê, với tổng kinh phí 90 triệu đồng, gồm: máy bơm, van điều khiển, hệ thống đường ống nước dẫn qua các gốc cây. Cùng với đó, anh Quý còn sử dụng màng phủ nông nghiệp hay còn gọi là “màng bạt” hay “thảm” - là một loại nhựa (nylon) dẻo, mỏng, dùng để che phủ bề mặt đất, được trải dọc theo các hàng cà phê. Màng phủ này có màu đen, ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạn chế sự sinh trưởng của cỏ, tránh thoát hơi nước, giữ ẩm cho bộ rễ của cây. Anh Quý cho biết: “Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và màng phủ bảo vệ, việc chăm sóc cà phê  của gia đình đỡ mất công hơn rất nhiều. Bởi so với tưới "dí" truyền thống, giờ tôi chỉ mất vài phút để vận hành hệ thống, tưới 2 lần/tuần, mỗi lần 5 - 6 giờ (tương đương 12 lít nước/gốc), kết hợp bón phân thông qua hệ thống tưới, giúp tiết kiệm được hơn 50% lượng nước tưới, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm công lao động…”. Với cách tưới nước tiết kiệm này, hai năm trở lại đây, gia đình anh Quý không còn phải lo lắng về nguồn nước tưới vào mùa khô hạn, vườn cà phê luôn giữ được độ ẩm nên phát triển xanh tốt.

Bằng việc xây dựng “Hồ nổi trữ nước” với thể tích phù hợp cho từng vườn cây, hàng trăm hộ nông dân huyện Ea H'leo đã có thể an tâm sản xuất trong mùa khô hạn. Tranh thủ mùa mưa lượng nước dồi dào, bà con xây dựng các bể chứa nước bằng bê tông hoặc đào hồ lót bạt đắp bờ bao xung quanh nhằm tích nước để dành tưới cho cây trồng vào mùa khô. Đơn cử như gia đình ông Hoong Trần Sáng ở thôn 6 (xã Ea Nam) có 3 ha cà phê xen canh bơ booth và sầu riêng. Địa hình canh tác đồi dốc khiến việc bơm nước tưới cho cây trồng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các đợt tưới cuối do thiếu nước. Năm 2013, ông Sáng mạnh dạn đầu tư gần 80 triệu đồng đào giếng khoan sâu 26 m và xây bể chứa bằng bê tông rộng 15 m, dài 20 m, sâu 3,5 m, có thể tích hơn 1.000 m3 nước. Với lượng nước dự trữ được bơm từ giếng lên bể vào mùa mưa, nhiều năm nay gia đình ông Sáng đã yên tâm chủ động được nguồn nước tưới cho vườn cây vào mùa khô.

Huyện Ea H'leo có gần 80.000 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích cà phê hơn 30.000 ha, nhu cầu nước tưới trong mùa khô rất lớn. Hiện chính quyền địa phương đang quản lý 41 công trình thủy lợi gồm 38 hồ chứa và 3 đập dâng. Qua khảo sát vào cuối tháng 3-2019, nguồn nước tại các hồ, đập, sông, suối, giếng đào trên địa bàn đang giảm rất nhanh, một số vùng có khả năng thiếu nước cục bộ. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn nước suy giảm, thiếu nước tưới cho cây trồng ngày càng nghiêm trọng, việc bà con nông dân có nhiều cách làm sáng tạo để ứng phó với hạn hán như: tưới nước tiết kiệm, trữ nước vào mùa mưa... đã cơ bản bảo đảm phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.  Ông Nguyễn Anh Khuấn, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, để phòng, chống hạn, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý từ các công trình thủy lợi, hồ chứa, địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, canh tác cây trồng hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và ứng phó với tình trạng hạn hán.

Theo thống kê, huyện Ea H’leo có khoảng 400 ha cây trồng đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như: tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tập trung tại các xã Ea Wy, Dlie Yang, Ea Nam, Ea Ral và hàng trăm mô hình “Hồ nổi trữ nước” với thể tích lớn, nhỏ khác nhau tùy theo nhu cầu nước tưới của từng hộ.

Hoàng Tuyết - Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.