Điện Tân hồi sinh từ "vùng đất chết"
Thôn Điện Tân, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) hiện có 148 hộ với 654 khẩu, là thôn đồng bào Kinh duy nhất trong tổng số 13 thôn, buôn của xã Cư Pui. Tận mắt chứng kiến cuộc sống sung túc, khấm khá của người dân nơi đây, ít ai tưởng tượng được rằng, Điện Tân đã từng là “vùng đất chết”…
Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất thôn Điện Tân từng là đồn Amí Gar, nơi đóng quân của 6 đại đội biệt kích Mỹ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, cùng một sân bay lên thẳng, là tuyến phòng ngự kiên cố của địch nhằm kiểm soát vùng căn cứ cách mạng của ta. Trong suốt 10 năm, từ sau ngày 9-5-1965 khi giải phóng H9 (huyện Krông Bông) cho đến Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), vùng đất này thường xuyên bị địch tổ chức càn quét với quy mô lớn. Trên trời máy bay quần đảo, dưới đất trọng pháo của địch bắn phá ngày đêm đã biến nơi đây thành “vùng đất chết”, ruộng vườn hoang hóa, không có bóng người qua lại.
Thôn Điện Tân hôm nay. |
Tháng 2-1982, nghe theo tiếng gọi của Đảng, hơn 220 người dân từ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đến thôn Điện Tân xây dựng kinh tế mới. Ngày mới đến lập nghiệp, bà con gặp vô vàn khó khăn, thử thách: không điện, không đường, không trường học, không chợ búa; việc ăn, ở, sinh hoạt chỉ bảo đảm mức tối thiểu, bệnh sốt rét hoành hành khiến không ít người hoang mang, nản chí bỏ đi nơi khác hoặc về quê cũ. Trong hoàn cảnh ấy, cùng với những người trụ lại, nhiều người dân từ quê hương Hà Tĩnh, Thái Bình và một số tỉnh khác vẫn nhận thấy tiềm năng phát triển của vùng đất này đã quyết định đưa gia đình vào Điện Tân định cư lập nghiệp.
Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, khoán gọn cho hộ xã viên đảm nhận tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp như một “luồng sinh khí” mới. Người dân thôn Điện Tân ra sức khai hoang vỡ hóa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ Đan Mạch, người dân trong thôn đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công xây dựng Đập thủy lợi Ea H’Mun, với hệ thống kênh mương kiên cố bảo đảm nước tưới cho gần 40 ha ruộng nước 2 vụ và các loại cây trồng khác. Trên địa bàn thôn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.
Tuyến đường bê tông ở thôn Điện Tân do người dân đóng góp xây dựng. |
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây thôn Điện Tân đã có nhiều cách làm hay, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ chỗ làm ăn manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu canh tác cây lương thực và các loại cây thực phẩm ngắn ngày, đến nay nhiều gia đình đã đầu tư vốn trồng cây công nghiệp dài ngày, hình thành nên những vườn cao su tiểu điền, rẫy cà phê rộng lớn, xanh tốt… Nhân dân trong thôn đã đóng góp 260 triệu đồng xây dựng 2 km đường bê tông nội vùng; đóng góp 255 triệu đồng xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và điện 3 pha, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Các chi hội đoàn thể của thôn xây dựng quỹ hội được trên 820 triệu đồng hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay lãi suất thấp để phát triển kinh tế…
Ông Nguyễn Hùng Tương, cán bộ hưu trí, nguyên Đoàn trưởng đưa dân Điện Bàn (Quảng Nam) đi kinh tế mới năm 1982 cho biết: “Thôn Điện Tân có được bộ mặt khang trang như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động bền bỉ của người dân. Nhiều năm qua, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhiều gia đình xây dựng trang trại chăn nuôi heo bán công nghiệp lên đến hàng trăm con, một bộ phận lao động chuyển dịch sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, thương mại”.
Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn chiếm 76,4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, có 80% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Thôn Điện Tân giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện 5 năm liền. |
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc