Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

09:58, 01/04/2019

Thôn 1, xã Krông Á (huyện M’Đrắk) có 137 hộ dân với 437 nhân khẩu; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.

Để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới (NTM), Chi bộ, Ban tự quản cùng các đoàn thể trong thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức thực hiện chương trình.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Thôn trưởng thôn 1 (xã Krông Á) cho biết: Khi triển khai thực hiện các tiêu chí liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Chi bộ, Ban tự quản, các đoàn thể trong thôn đều khảo sát lấy ý kiến của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Qua đó, phong trào xây dựng NTM đã được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể, bà con đã đóng góp được trên 250 ngày công, 170 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn rộng trên 200 m2 và mua sắm bàn ghế, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp; tham gia tu sửa đường giao thông liên thôn...

Đoàn viên, thanh niên xã Ea Pil và sinh viên tình nguyện làm đường giao thông ở thôn 1, xã Ea Pil.
Đoàn viên, thanh niên xã Ea Pil và sinh viên tình nguyện làm đường giao thông ở thôn 1, xã Ea Pil.

Thôn 8 (xã Ea Riêng) là một trong những điển hình về phong trào hiến đất làm đường. Nhiều hộ dân mặc dù đã xây tường rào, cổng nhà kiên cố nhưng vẫn tự nguyện tháo dỡ, xây dựng lại để mở rộng đường đi. Tiêu biểu là gia đình chị Phan Thị Hường đã tự nguyện hiến hơn 1.650 m2 đất và 1.000 cây keo năm thứ hai để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông liên xã dài gần 6 km. Từ việc làm của gia đình chị Hường, các hộ khác trong thôn như gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Thị Hảo… cũng đã hiến nhiều diện tích đất ở, đất rẫy, nâng tổng số diện tích đất do người dân trong toàn thôn hiến tặng lên gần 3.000 m2 để làm đường giao thông nông thôn.

Còn tại thôn 4 (xã Ea Pil), trước đây người dân chủ yếu trồng mía, ngô, sắn có giá trị kinh tế thấp, thu nhập không ổn định. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, thôn 4 đã mạnh dạn chuyển đổi 80 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn, vải và bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, người dân trong thôn đã hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường liên thôn dài trên 200 m, đóng góp hơn 20 triệu đồng để làm đường cấp phối...

Phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện M’Đrắk có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhờ vậy, trong năm 2018 toàn huyện đã huy động được 811,440 triệu đồng và 2.531 ngày công lao động; nhân dân hiến 12.343 m2 đất để tu sửa hội trường thôn, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm được 6,57% (kế hoạch 4 - 4,5%), riêng trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm được 8,01% (kế hoạch 5 - 5,5%); đã thực hiện được 114/228 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 9,5 tiêu chí về xây dựng NTM.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.