Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình nuôi chồn hương

15:59, 14/04/2019

Cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, anh Đỗ Quý Toán - chủ trang trại Trường Thành ở thôn Tân Lập, xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Chia sẻ về “bí quyết” làm kinh tế, anh Toán tâm sự: Có những thời điểm giá cà phê xuống thấp, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, anh đã trăn trở rất nhiều để tìm ra hướng đi, nâng cao giá trị của mặt hàng nông sản này. Qua tìm hiểu, học hỏi, anh đã quyết định xây dựng mô hình nuôi chồn hương kết hợp sản xuất cà phê chồn để nâng cao giá trị.

Trên diện tích 1 ha đất, anh Toán đã xây dựng chuồng trại, xưởng chế biến cà phê; trồng xen nhiều trụ tiêu và cây đinh lăng ở những vị trí thích hợp để nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thêm thu nhập. “Đối với những nông dân khác thì việc tận dụng diện tích chỉ được gấp đôi, nhưng với mô hình này, tôi có khả năng tận dụng được ba lần. Tức là với diện tích 1 ha hiện tại, tôi tận dụng khai thác cho thu nhập tương đương 3 ha, bằng cách xây dựng trang trại theo mô hình “3 trong 1” vừa sản xuất con giống, vừa nuôi chồn thương phẩm kết hợp với sản xuất cà phê chồn, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực”, anh Toán tự hào cho biết.

Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa (bìa trái), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Krông Ana thăm trang trại gia đình anh Toán.
Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa (bìa trái), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Krông Ana thăm trang trại gia đình anh Toán.
 

“Mô hình nuôi chồn hương, sản xuất cà phê chồn của anh Toán sử dụng ít đất mà hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình sản xuất này đang sử dụng 4 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Đây là hướng đi mới cần được quan tâm đầu tư, nhân rộng”.

 
 
Bà H’Duyên Ksơr, Chủ tịch UBND xã Ea Na

Để nuôi chồn hương thành công, anh Toán đã phải quan sát, tìm hiểu kỹ lưỡng, biết được tập tính của từng con. Nhất là mùa sinh sản, chồn cái rất “chảnh”, khi không chấp nhận chồn đực, anh phải đổi “bạn tình” cho chúng. Thức ăn của chồn rất đa dạng, ngoài các loại trái cây như chuối, mít, chôm chôm…, chồn còn ăn thịt heo luộc, cháo thịt bằm… Chính vì vậy, việc nuôi chồn được ví như nuôi “con mọn”. Đặc biệt, chồn rất thích ăn quả cà phê. Khứu giác của chồn đặc biệt thính, nếu cà phê hay trái cây có dính thuốc bảo vệ thực vật, chúng sẽ không ăn. Để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đàn chồn, cần tiêm thuốc phòng ngừa các dịch cúm, vi rút cho chúng. Nắm chắc đặc tính và chăm sóc kỹ lưỡng nên đàn chồn của anh Toán phát triển khỏe mạnh. Với 60 con chồn sinh trưởng hiện tại, mỗi năm trại chồn của anh có ít nhất 100 lứa chồn con. Mỗi lần sinh sản, chồn cái đẻ từ 2 - 4 chồn con. Giá chồn con giống trên thị trường hiện nay khoảng 7,5 - 8 triệu đồng/cặp; chồn thương phẩm có giá từ 1,4  - 1,6 triệu đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh thu lời ít nhất 150 triệu đồng từ nuôi chồn giống và chồn thương phẩm.

Hằng năm, sản lượng cà phê chồn của gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 100 kg, với giá 4 triệu đồng/kg, thu về 400 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình anh còn nuôi nhím giống và nhím thương phẩm cung cấp cho thị trường, với giá 4 triệu đồng/cặp nhím giống và 250.000 đồng/kg nhím thương phẩm cũng đem lại nguồn lợi đáng kể.

Để sản phẩm được nhiều người biết đến, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và liên kết với doanh nghiệp được anh đặc biệt quan tâm. Ngoài việc xây dựng website để quảng cáo cho sản phẩm của trang trại, anh còn liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, anh cho biết sẽ đăng ký thương hiệu sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê chồn, từng bước mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong vùng, hướng tới thành lập hợp tác xã, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê chồn của Tây Nguyên…

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.