Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng sầu riêng

10:07, 25/04/2019

Qua quá trình tìm hiểu, thấy trồng sầu riêng Dona vừa tốn ít công chăm sóc mà thu nhập lại cao, năm 2011 ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng chuyên canh.

Việc chuyển đổi được ông Thắng thực hiện rất khoa học. Ban đầu ông phá bỏ một số cây cà phê để trồng, khi sầu riêng lên năm thứ hai thì ông mới phá toàn bộ cây cà phê, hồ tiêu. Với cách làm này, ông vừa chuyển đổi được cây trồng, vừa bảo đảm được nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thắng (bên trái) giới thiệu mô hình trồng  sầu riêng Dona  với cán bộ Hội Cựu chiến binh xã.
Ông Nguyễn Văn Thắng (bên trái) giới thiệu mô hình trồng sầu riêng Dona với cán bộ Hội Cựu chiến binh xã.

Sau 7 năm trồng, vườn sầu riêng của gia đình ông Thắng bắt đầu cho trái bói. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tình trạng rụng hoa và trái non trên cây sầu riêng nên sản lượng đạt thấp: dù cả 24 cây sầu riêng đều cho thu bói nhưng ông chỉ thu được vài chục ký, thu nhập không đáng kể.

Ngoài chịu khó đọc sách, báo, xem tivi, tìm hiểu thêm kinh nghiệm trồng sầu riêng trên mạng Internet, ông Thắng còn trực tiếp đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để áp dụng với vườn cây của gia đình, mời cả kỹ sư nông nghiệp đến tận vườn tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời có biện pháp khắc phục, hướng dẫn chăm sóc sầu riêng hiệu quả…

Nhờ chăm bón vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, sang năm sau vườn sầu riêng có tỷ lệ đậu quả rất cao, nhưng ông chỉ để lại mỗi cây khoảng vài chục trái (bình quân mỗi trái có trọng lượng khoảng 4 kg). Năm 2018, gia đình ông Thắng thu trên 3 tấn sầu riêng (bình quân mỗi cây cho sản lượng đạt 125 kg, có những cây sản lượng lên đến trên 200 kg). Với giá bán tại vườn 55.000 đồng/kg, tổng thu nhập của gia đình đạt 130 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 115 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập lớn nhất của vườn cây gia đình ông từ trước đến nay.

Ông Thắng chia sẻ, sầu riêng là loại cây khó tính đòi hỏi người nông dân phải chịu khó, nắm vững về khoa học kỹ thuật. Để cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, người trồng phải cân đối được dinh dưỡng cho cây theo từng thời điểm, từng giai đoạn; đồng thời phải chú trọng đến khâu phòng bệnh cho cây, chủ yếu là bệnh nấm, trùng hại rễ, nhện đỏ… bởi nếu không chữa trị kịp thời, sâu bệnh sẽ lan ra cả vườn gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Đặc biệt, ở thời điểm cây ra hoa, đậu trái và khi trái đạt được trọng lượng 3 - 4 lạng, cần chú trọng bảo đảm chất dinh dưỡng cũng như phòng bệnh tốt cho cây thì mới mang lại hiệu quả cao.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc