Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hiệu quả đến đâu? (Kỳ cuối)

09:03, 08/04/2019

Kỳ cuối: Kiểm soát tốt mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn 

Có thể nói, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo. Vậy nên làm thế nào để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả là câu chuyện rất đáng quan tâm…

Kiểm soát tốt mục đích vay vốn

Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, để đưa chính sách tín dụng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thành lập 14 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, 183 điểm giao dịch cố định tại các xã, phường; ký hợp đồng với 4 hội, đoàn thể:  Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên làm dịch vụ ủy thác cho vay từng phần của NHCSXH; mỗi xã, phường có một cán bộ làm công tác giảm nghèo được ký hợp đồng làm cộng tác viên của NHCSXH. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác thành lập và quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, buôn, tổ dân phố; rà soát, bình xét, giải ngân nguồn vốn, đôn đốc thu hồi nợ, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý vốn vay, hướng dẫn các đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả.

Cán bộ buôn Mlốc B,  xã Krông Jing, huyện M'Đrắk (phải) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi  của người nghèo trong buôn.
Cán bộ buôn Mlốc B, xã Krông Jing, huyện M'Đrắk (phải) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi của người nghèo trong buôn.

Theo thống kê, tính đến quý I-2019, riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tín chấp cho trên 52.2070 lượt hộ vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 1.451 tỷ đồng. Mặc dù là một trong 4 hội, đoàn thể có số dư nợ cao, chiếm  trên 32% tổng dư nợ của NHCSXH nhưng tỷ lệ nợ quá hạn do các cấp hội phụ nữ tín chấp chỉ chiếm 0,8% (giảm 0,5% so với năm 2017).

 
“Chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, cải thiện, nâng cao mức sống và sự tiếp cận các nhu cầu cơ bản của người dân. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách cần sự vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc hướng dẫn các hộ vay vốn cách làm ăn và sử dụng vốn vay hiệu quả”.
 
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Văn Lý

Theo bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để hội viên phát huy hiệu quả nguồn vốn thì vấn đề quan trọng nhất là cần thẩm định, tăng cường kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn, sát cánh để hướng dẫn, giúp đỡ đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo các cấp hội thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra những đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao, có dư nợ sắp đến hạn để đôn đốc trả nợ; tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn giải pháp nâng cao dư nợ ủy thác. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở hội tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, xây dựng mô hình điểm chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho hội viên phụ nữ.

Cộng đồng trách nhiệm trong triển khai thực hiện

Nhằm tăng cường, phát huy hiệu quả chính sách tín dụng, ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Hộ nghèo thôn 17, xã Cư Bông, huyện Ea Kar đầu tư chăm sóc cà phê từ nguồn vốn vay NHCSXH.
Hộ nghèo thôn 17, xã Cư Bông, huyện Ea Kar đầu tư chăm sóc cà phê từ nguồn vốn vay NHCSXH.

Thực hiện Chỉ thị số 40, ngoài nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay. Đến đầu năm 2019, nguồn vốn của tỉnh và huyện ủy thác qua NHCSXH là 214 tỷ đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo ông Nguyễn Tử Ân, để tiếp tục phát huy hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, các hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, các địa phương, tổ chức đoàn thể thực hiện tốt việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Lê Lan – Lê Thành – Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.