Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên: Phải tạo sức lan tỏa và sự thu hút (Kỳ 2)

08:48, 10/04/2019

Kỳ 2: Tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột

Để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, ngoài việc tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, theo các chuyên gia còn cần phải khai thác hiệu quả yếu tố về địa hình, cây xanh, mặt nước; duy trì, phát huy các buôn làng truyền thống trong đô thị; đặc biệt phải có cơ chế, chính sách đặc thù…

Phát huy thế mạnh của địa phương

Với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đặc biệt còn được xem là “Đô thị thủ phủ cà phê" của vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột là nơi lý tưởng để phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê như: Sàn giao dịch cà phê, trung tâm tài chính, dịch vụ logistic về cà phê, trung tâm sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao đẳng cấp thế giới và là thành phố Fesstival Cà phê quốc tế… Tuy có nhiều lợi thế phát triển, thậm chí trở thành “lớn” ở tầm cỡ quốc tế, nhưng đến nay Buôn Ma Thuột vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi Buôn Ma Thuột phải phát triển được ngành công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu để khắc phục điểm yếu nhất trong cơ cấu kinh tế hiện tại của khu vực và của tỉnh. Có như thế mới giúp địa phương cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên thay đổi phương thức phát triển dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có hiện tại gần như đã cạn kiệt, chuyển sang cách thức hiện đại, định hướng giá trị tăng cao. Ngoài ra, phải ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở; đặc biệt là kết nối giao thông, xây dựng sân bay Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế.

Một cơ sở sản xuất cà phê sạch tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Một cơ sở sản xuất cà phê sạch tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột còn được xem như "một Việt Nam thu nhỏ" với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Chính sự đặc thù về đa sắc tộc, đa văn hóa sẽ là giá trị, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa – lịch sử nếu biết cách khai thác. Thực tế phát triển kiến trúc Buôn Ma Thuột trong thời gian qua đã cho thấy một bức tranh vừa đa dạng, vừa đặc sắc gồm: khí hậu mang đặc trưng rất rõ rệt của vùng Tây Nguyên, không gian xanh khá lý tưởng với hệ thống rừng cây, sông, suối, hồ, đập lớn tô điểm, tạo nên cảnh quan xanh – sạch – đẹp; cùng với đó là những công trình kiến trúc truyền thống, di tích lịch sử như: Tòa Giám mục, Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột… Chính lối kiến trúc: đô thị trung tâm có rừng - buôn làng gắn với các loài cây di sản; đô thị ngoại ô gắn với rừng - vườn - trang trại - buôn làng sẽ góp phần mang lại nét độc đáo, bản sắc riêng của đô thị vùng Tây Nguyên; hơn thế nữa còn mang lại giá trị gia tăng gấp bội cho thành phố cao nguyên.

 
“Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột phải bảo tồn được giá trị truyền thống, duy trì và bảo tồn các kiến trúc đô thị cổ, làng truyền thống. Bản sắc văn hóa trong kiến trúc đô thị chính là yếu tố để TP. Buôn Ma Thuột làm nên nét đặc sắc của riêng mình, không bị chìm trong các thành phố hiện đại khác”.
 
GS.TS Hoàng Ba Thịnh, Viện Trưởng danh dự, Viện Nghiên cứu Việt Nam – Đài Loan

“Để phát huy được những thế mạnh của địa phương và khẳng định vị thế trung tâm, vai trò dẫn dắt cả vùng Tây Nguyên, giai đoạn tới, TP. Buôn Ma Thuột rất cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Trung ương và của tỉnh, cũng như tạo điều kiện được ưu tiên và thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các công trình trọng tâm, trọng điểm; có cơ chế, định mức riêng về biên chế quản lý hành chính, Đảng, đoàn, các đơn vị sự nghiệp theo hướng đơn vị miền núi dân tộc thiểu số…”, ông Trương Công Thái, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột kiến nghị.

Khẳng định vai trò, vị trí trung tâm vùng

Chính việc thiếu sự phối kết hợp trong chỉ đạo, thực hiện từ Trung ương đến địa phương; thiếu nguồn lực đầu tư cũng như thiếu sự năng động, quyết liệt trong khâu thực hiện của chính quyền địa phương nên sau 10 năm Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự xứng tầm là đô thị trung tâm vùng. Do đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Mục tiêu và quan điểm của Đảng là phát triển TP. Buôn Ma Thuột không chỉ riêng cho Đắk Lắk mà còn phải cho cả vùng Tây Nguyên, là để các tỉnh và nhân dân trong vùng được tạo mọi điều kiện phát triển thông qua phát triển TP. Buôn Ma Thuột và được thụ hưởng công bằng các thành quả phát triển đó.  Vì vậy, trong chiến lược xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương phải tận dụng, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình; phải có cơ chế chính sách đột phá, tổ chức thực hiện tốt thì mới thu hút được các nhà đầu tư; tập trung đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, theo chiều sâu vào các khâu, lĩnh vực, các khu vực có thể tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phù hợp với nguồn nhân lực từ ngân sách…

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế từ cây cà phê.
Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế từ cây cà phê.

Để khẳng định vai trò là trung tâm đô thị của vùng, Buôn Ma Thuột cần quan tâm thực hiện các vấn đề: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ và năng lực quản lý của chính quyền đô thị trong bối cảnh hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển hạ tầng kinh tế đô thị, trong đó tập trung ưu tiên vào việc xây dựng và quy tụ các đầu mối giao thông vùng vào khu vực trung tâm đô thị về đường hàng không, đường bộ, đường sắt; phát triển bền vững gắn với điều kiện tự nhiên và vùng sinh thái rừng – cây công nghiệp nhằm hình thành một thành phố cao nguyên xanh; tạo một không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống… Muốn thực hiện được những vấn đề này, ngoài nỗ lực, thay đổi tư duy của cán bộ, lãnh đạo và người dân địa phương thì còn cần đến nguồn lực đầu tư, những chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, sự phối kết hợp giữa các cấp, ngành… Có như thế, TP. Buôn Ma Thuột mới có thể thực hiện được sự kỳ vọng và sứ mệnh của mình.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.