Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu hàng hóa qua Amazon: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp

08:52, 01/04/2019

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua thương mại điện tử, Bộ Công thương và tỉnh Đắk Lắk đã bắt tay với “gã bán lẻ khổng lồ” Amazon để DN của tỉnh có cơ hội được quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

Lần đầu tiên tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Bộ Công thương đã hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk mời được “gã bán lẻ khổng lồ” Amazon tham gia Hội chợ-triển lãm chuyên ngành cà phê và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk. Qua đó các bên đã trao đổi, bàn bạc những giải pháp để hỗ trợ cho ngành cà phê quảng bá, phát triển thương hiệu trên Amazon. Đặc biệt, Bộ đã kết nối với Amazon Global Selling, một chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon.

Đây là chương trình hỗ trợ các DN trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu dù họ ở bất kỳ đâu để tiếp cận khách hàng toàn cầu của Amazon. Thông qua chương trình bán hàng của Amazon, người bán trên toàn thế giới có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime tại nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Amazon đang có mặt tại 13 thị trường với khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước, trong đó có Việt Nam. 25% doanh số bán lẻ trên Amazon thuộc về người bán quốc tế.

Du khách tìm hiểu về cà phê Buôn Ma Thuột tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 7 năm 2019.
Du khách tìm hiểu về cà phê Buôn Ma Thuột tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 7 năm 2019.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống là hỗ trợ DN mang hàng hóa tham gia các hội chợ, triển lãm có uy tín trong và ngoài nước thì bán hàng điện tử trên Amazon được coi là kênh hữu hiệu, tiện ích và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. DN Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên thế giới của Amazon, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu lớn. Hơn thế nữa, đây còn là một trong những cách nhanh nhất để các DN Việt có thể xây dựng thương hiệu riêng cho mình gắn liền với tên tuổi Amazon, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác nữa tới thị trường thế giới.

Tin vui cho các DN Việt là trước đó, hồi trung tuần tháng 1-2019, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling đã công bố chương trình hợp tác “Hỗ trợ DN Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử”. Cụ thể, chương trình sẽ hỗ trợ DN, ưu tiên cho DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com; phát triển thương hiệu DN và hàng hóa Việt Nam trong môi trường điện tử của Amazon, đồng thời đào tạo các DN về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon. Thời gian đầu sẽ hỗ trợ thí điểm 100 DN Việt Nam có tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon. Các DN được lựa chọn sẽ được các chuyên gia hướng dẫn về thủ tục, hỗ trợ trong khâu đăng ký, xây dựng gian hàng điện tử, hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu...

Về phía tỉnh, theo Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương), Trung tâm cũng đã có kế hoạch thông tin và hướng dẫn DN đăng ký tham gia. Bước đầu, đã có 6 DN của tỉnh gửi hồ sơ đăng ký để có cơ hội được hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa thông qua kênh Amazon.

Phân xưởng chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An Thái.
Phân xưởng chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An Thái.

Ở góc độ DN xuất khẩu, trên thực tế để gặp gỡ trực tiếp đối tác nước ngoài và đi đến các thỏa thuận để ký kết hợp đồng xuất khẩu là việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, thông qua kênh thương mại điện tử toàn cầu này thì mọi việc sẽ được thực hiện một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Bởi thay vì gặp gỡ trực tiếp thì kênh bán hàng thương mại điện tử sẽ hỗ trợ DN xuất khẩu trực tuyến. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, đây là thời cơ để DN có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh tìm kiếm kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, có cơ hội bắt tay với các nhà nhập khẩu có uy tín, tầm cỡ để xuất khẩu hàng hóa .

Nhiều DN của tỉnh nhìn nhận, nếu được chọn để hỗ trợ thì DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Không chỉ dừng lại ở đó, khi có một vài đơn hàng được bán thì khả năng sẽ có nhiều khách hàng biết và tự tìm đến mình hơn, khi đó, uy tín và cơ hội hợp tác được nâng lên rất nhiều.

Cơ may đang đến rất gần và mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Để chuẩn bị đón đầu cơ hội xuất khẩu trực tuyến, 2 DN xuất khẩu cà phê trong tổng số 6 DN của tỉnh đăng ký tham gia là Công ty G20 coffee G20 Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An Thái cho biết, trước mắt, DN hướng đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời đạt các chứng nhận theo yêu cầu của thị trường xuất đến.

Ông Gijae Seong - Giám đốc phát triển bán hàng toàn cầu Amazon Globel Sellling Đông Nam Á cho hay, đối với cà phê của tỉnh Đắk Lắk, Amzon mong muốn hỗ trợ DN vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài việc sẽ hỗ trợ DN cách thức bán hàng thì thông qua các phản hồi của khách hàng, phía Amazon sẽ giúp DN cách thức xây dựng thương hiệu đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, và làm thế nào để xây dựng một thương hiệu phù hợp với thương hiệu toàn cầu.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.