Multimedia Đọc Báo in

Cư A Mung dồn sức thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn

08:58, 29/05/2019

Xã Cư A Mung (huyện Ea H'leo) được thành lập năm 2006, với xuất phát điểm thấp, hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, dân cư sống thưa thớt nên việc hoàn thiện tiêu chí số 2 (giao thông nông thôn) trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thực sự là "bài toán" nan giải.

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình kế hoạch cụ thể, trong đó tập trung khắc phục những khó khăn để từng bước hoàn thiện tiêu chí số 2. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư A Mung chia sẻ: "Xã xác định đây là tiêu chí “xương sống” tạo tiền đề thúc đẩy các tiêu chí còn lại, vừa là cơ hội để nâng cao cuộc sống cho người dân, tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Ông Vi Văn Lập (bìa phải) trên phần đất rẫy đã hiến để làm đường nội thôn.
Ông Vi Văn Lập (bìa phải) trên phần đất rẫy đã hiến để làm đường nội thôn.

Theo đó, bên cạnh việc thành lập Ban quản lý xây dựng NTM, xã Cư A Mung còn thành lập các Tổ thúc đẩy và phụ trách địa bàn có nhiệm vụ thường xuyên đi “tiền trạm” về các thôn, buôn gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trước khi triển khai bất cứ công trình, tiêu chí NTM nào. Trong quá trình triển khai thực hiện, xã cũng luôn quan tâm phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.

 
“Theo lộ trình, xã Cư A Mung sẽ về đích nông thôn mới năm 2025. Trong đó, để hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, từ nay đến 2025 xã phải cứng hóa hơn 45 km đường giao thông các loại. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với địa phương, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị”.
 
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư A Mung

Nhờ nỗ lực tuyên truyền, người dân trên địa bàn xã đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM. Đơn cử như ông Vi Văn Lập ở thôn 3, xã Cư A Mung đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất rẫy, 120 trụ tiêu và cây cà phê đang kinh doanh để làm đường nội thôn. Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 3, xã Cư A Mung nhớ lại: “Trước đây, các tuyến đường trong thôn chỉ là đường đất đỏ, việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Người dân ai cũng mong muốn có con đường mới để tiện đi lại. Khi được chính quyền xã vận động, thấy rõ quyền lợi thiết thực của mình nên người dân đồng tình ủng hộ, hiến đất và ngày công để cùng đơn vị thi đua đẩy nhanh tiến độ...”.

Nhờ sự chung sức của người dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 8 năm xây dựng NTM, nhiều con đường lầy lội trước đây như: tuyến đường đi Làng Dao, làng Thanh Hóa, đường đến buôn Tơ Yoa, tuyến đường xuống đập Hà Dưng…. đều đã được bê tông bằng phẳng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân có thêm thu nhập đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân có thêm thu nhập đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, xã Cư A Mung đã huy động được hơn 2,3 tỷ đồng để làm đường giao thông, trong đó nguồn ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa được 1,3 tỷ đồng. Đến nay, tuyến đường trục chính dài hơn 7 km của xã đang được thi công nhựa hóa, hơn 8 km đường nội thôn, buôn đã được cứng hóa và bê tông hóa sạch đẹp, không còn lầy lội vào mùa mưa.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.