Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh xã Pơng Drang thi đua phát triển kinh tế

09:00, 27/05/2019

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đã hăng hái tham gia công tác cơ sở, gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông Phạm Đức Cường, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Binh cùng vợ con vào thôn 15, xã Pơng Drang lập nghiệp. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn eo hẹp cộng với giá cả nông sản không ổn định nên kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, nhận thấy việc trồng độc canh một loại cây không đem lại hiệu quả, ông Cường bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, ông Cường trồng xen canh tiêu, sầu riêng, bơ kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên diện tích 2,2 ha, hiện gia đình ông đang có 800 trụ hồ tiêu, 1.200 cây cà phê, 60 cây sầu riêng và 50 cây bơ. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập hơn 600 triệu đồng.

Cựu chiến binh Phạm Đức Cường đang chăm sóc sầu riêng.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cường đang chăm sóc sầu riêng.
 

Từ năm 2014 đến nay, Hội CCB xã Pơng Drang đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hơn 4,6 tỷ đồng; xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế được 703 triệu đồng, giải quyết cho 40 gia đình hội viên vay; ký hợp đồng bán trên 20 tấn phân bón trả chậm cho hội viên và nhân dân có nhu cầu”.

 
Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Pơng Drang

Cũng nhờ cần cù, chịu khó nên sau 20 năm gắn bó với cây cà phê, ông Phạm Bá Minh ở thôn 14 xã Pơng Drang đã trở thành một trong những tấm gương CCB sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Năm 2014, ông Minh quyết định chuyển 3,5 ha cà phê sang canh tác theo hướng hữu cơ. Để có sản phẩm đạt chất lượng, ông phải tuân thủ các nguyên tắc như: không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, cà phê thu hoạch phải chín đều, màu đỏ tươi… Đặc biệt, thay vì phơi cà phê trực tiếp dưới nắng như nhiều người vẫn làm, ông Minh đã đầu tư hệ thống nhà kính sấy cà phê chất lượng cao bằng năng lượng mặt trời.

Để chế biến cà phê nhà trồng thành cà phê bột nguyên chất, ông Minh còn đầu tư hệ thống rang xay trị giá 150 triệu đồng. Lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu hàng đầu, cà phê được rang xay sẽ trải qua các khâu chọn lựa kỹ càng, không pha trộn với bất kỳ hương liệu hay loại ngũ cốc nào. Ông Minh cho biết, nhờ làm ăn uy tín nên cà phê bột của gia đình ông ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và đã có nhiều quán cà phê tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đặt hàng số lượng lớn.

Cựu chiến binh Phạm Bá Minh giới thiệu hệ thống rang xay cà phê của gia đình mình.
Cựu chiến binh Phạm Bá Minh giới thiệu hệ thống rang xay cà phê của gia đình mình.

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Pơng Drang cho biết, để giúp các hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội CCB xã luôn động viên cán bộ, hội viên phát huy ý chí tự lực tự cường, tích cực lao động sản xuất. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế. Hiện nay, 100% các gia đình hội viên đều có nhà ở kiên cố, tiện nghi tương đối đầy đủ, nhiều gia đình thu được lợi nhuận trên hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.