Du lịch Đắk Lắk: Hướng đến phát triển bền vững (Kỳ cuối)
[links(left)]
Với nhận thức dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch, gần đây một số doanh nghiệp kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề hợp tác, chia sẻ lợi ích với người dân sống trong vùng du lịch để tìm cho mình hướng đi mới, bền vững và hiệu quả hơn.
Kỳ cuối: Dựa vào cộng đồng để phát triển
Đến nay, đã có một số đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh hướng đến với cộng đồng ngày càng nhiều và rõ nét hơn. Thực tế cho thấy, trong việc hoạch định và thực thi chiến lược phát triển du lịch của mình, không ít doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty Du lịch - Thương mại Dam San, Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn, Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Công ty TNHH Du lịch văn hóa - sinh thái Thanh Hà, Ánh Dương…) đã tỏ ra tôn trọng, quan tâm hơn đến yếu tố cộng đồng - và họ lấy đó làm nền tảng để bứt phá, thay đổi đường hướng khai thác và kinh doanh của mình một cách khá tích cực. Được biết, hầu hết các đơn vị làm du lịch trên đã nghiêm túc khảo sát, đánh giá và liên kết với những gia đình, cộng đồng sở hữu vốn tài sản (tài nguyên) có liên quan đến việc phục vụ hoạt động du lịch như đàn voi nhà, thuyền độc mộc, nhà dài, cồng chiêng và những giá trị văn hóa truyền thống khác nhằm tạo dựng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt để thu hút du khách, từng bước nâng cao doanh thu và lợi nhuận.
Người Êđê ở buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia làm du lịch tại Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam. |
Theo bà Phạm Thị Ẩn, phụ trách Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn và ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Voi huyện Lắk, giữa doanh nghiệp và người dân sống trong vùng du lịch, bước đầu đã hình thành được mối quan hệ “hai trong một” vì những gì mà cộng đồng người Êđê, M’nông, Jrai hay Lào ở đây hợp tác, cung cấp cho các đơn vị làm du lịch đều được ăn chia phần trăm lợi nhuận theo thỏa thuận. Sự hợp tác, chia sẻ này vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa thể hiện tính chủ động, trách nhiệm và sự bền vững của doanh nghiệp trong quá trình khai thác, kinh doanh ngành kinh tế quan trọng này.
Thực tế cho thấy, tại Buôn Đôn ngành du lịch đã tạo ra “cú hích” đáng kể giúp người dân phát triển sinh kế từ hoạt động du lịch mang lại. Chị Bun Thó Kin (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho hay, những gia đình nghèo ở đây cũng như nhiều nơi khác, không có tài sản đáng kể (như voi, cồng chiêng, thuyền độc mộc và nhà dài…) để tham gia làm du lịch, nhưng thông qua các dịch vụ được các đơn vị kinh doanh du lịch mở ra cũng tạo điều kiện cho bà con kiếm sống một cách ổn định. Những đêm xoang, nghe diễn tấu cồng chiêng và thưởng thức rượu cần mà du khách khi đến đây yêu cầu là dịp để cho con em những gia đình nghèo trong vùng tham gia và kiếm thêm thu nhập mỗi tháng từ 2-3 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Sy Thắk Ksơr
|
Du lịch dựa vào cộng đồng ở đây cũng đã góp phần thúc đẩy nhiều ngành nghề khác “ăn nên làm ra”. Anh Y Khem KNéh (buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết, mỗi ngày gia đình anh kiếm được trên dưới 300 nghìn đồng từ dịch vụ buôn bán hàng lưu niệm, cho thuê quần áo người dân tộc thiểu số tại chỗ và gia công hàng lưu niệm cho du khách.
Phải thừa nhận rằng, không riêng gì những người làm dịch vụ ở đây có đời sống khấm khá hơn, mà nhiều gia đình làm nông nghiệp thuần túy cũng “ăn theo” hoạt động du lịch sôi động trên địa bàn. Chẳng hạn như gia đình Amí Wét Ksơr, bà chỉ chuyên trồng các loại rau, củ trong vườn, nhưng hằng tháng cũng có thu nhập đáng kể nhờ các nhà hàng trong khu du lịch này đặt mối tiêu thụ.
Hay như nhà Y Hoát Byă cũng thế, gần đây anh tập trung nuôi gà thả vườn để cung cấp cho các điểm du lịch trong vùng với số lượng ngày càng nhiều và giá cả ổn định. Những ngành nghề truyền thống khác như làm rượu cần, đồ mỹ nghệ cũng có đất sống nhờ hoạt động du lịch gắn kết với cộng đồng mang lại.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ là vốn tài nguyên quý giá để các đơn vị làm du lịch khai thác, phát triển. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Buôn Đôn Y Sy Thắk Ksơr nhận xét: Các cộng đồng sinh sống trong vùng du lịch phải được hưởng lợi từ ngành kinh tế mũi nhọn này. Hơn thế, hướng đến những đối tượng nghèo để tạo công ăn việc làm cho họ cũng là mục tiêu đặt ra cho các đơn vị khai thác và kinh doanh du lịch hiện nay trên địa bàn Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và sự phát triển bền vững cho từng tour - tuyến du lịch được quy hoạch và phát triển trên từng vùng theo đề án của tỉnh.
Theo ông Y Sy Thắk, đã đến lúc phải xác định phát triển du lịch theo hướng hiệu quả và bền vững dựa vào thế mạnh của cộng đồng, không những là hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp lựa chọn, mà còn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương có tiềm năng, thế mạnh du lịch trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung hiện nay. Hay nói cách khác, tiềm năng và thế mạnh du lịch ở mỗi vùng chính là tài sản to lớn giúp cho các cộng đồng nắm giữ nó cùng với doanh nghiệp khai thác để làm giàu cho chính mình và xã hội.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc