Multimedia Đọc Báo in

Khi rủi ro tín dụng không bắt nguồn từ thị trường

08:56, 13/05/2019
Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến hoạt động tín dụng tại các ngân hàng đã xảy ra gây hoang mang trong dư luận. Nhiều câu hỏi đặt ra về sự an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Trong phạm vi cả nước, liên tiếp những vụ việc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã được phanh phui, với số tiền vi phạm từ hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Có thể nói, hoạt động của ngành ngân hàng được đánh giá đã từng bước đi vào quy củ, phát triển hướng đến chiều sâu, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có những quy định, định hướng nhằm giúp hoạt động tiền tệ hạn chế thấp nhất rủi ro. Bằng các công cụ điều hành lãi suất hợp lý, việc mở rộng tín dụng, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để người đi vay phát huy đồng vốn… đã góp phần quan trọng hạn chế rủi ro tín dụng.

Bản thân các ngân hàng thương mại thì một trong những hoạt động chính là cho vay nên rủi ro tín dụng là một nhân tố hết sức quan trọng, đòi hỏi các ngân hàng phải có khả năng phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả. Bởi nếu ngân hàng chấp nhận nhiều khoản cho vay có rủi ro tín dụng cao thì ngân hàng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn hay tính thanh khoản thấp.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Điều này có thể hạn chế hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí dẫn tới phá sản. Vì thế việc quản lý tín dụng và quản trị rủi ro là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ ngân hàng nào. Do đó, những vụ việc được “đưa ra ánh sáng” thời gian gần đây khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Xét trên quy mô của mỗi tổ chức tín dụng, số tiền liên quan đến những vụ việc được làm rõ trong thời gian qua chưa hẳn đã lớn, nhưng nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến gia tăng nợ xấu và đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực xử lý. Đây cũng là phần “nợ xấu” không phải bắt nguồn từ những rủi ro của thị trường.

Chia sẻ về sự cố tín dụng mới đây trên địa bàn tỉnh, một cán bộ làm trong lĩnh vực ngân hàng lâu năm cho rằng, các ngân hàng hiện nay đều xây dựng quy trình hoạt động vô cùng chặt chẽ, được quản lý bằng nhiều công cụ, nhiều tầng nấc khác nhau. Thế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người thực thi quy trình đó: nếu không tuân thủ, hoặc tuân thủ thiếu chặt chẽ thì hoạt động tín dụng sẽ bộc lộ ngay những kẽ hở. Vì vậy, khi mà thị trường tiền tệ đang ngày càng được lành mạnh hóa, để hoạt động tín dụng bớt những yếu tố rủi ro, đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải đề cao hơn nữa yếu tố con người. Yếu tố này phải được thực hiện chặt chẽ, triệt để từ khâu tuyển dụng, đào tạo, giáo dục tư tưởng đạo đức… cho đến công tác quản lý, kiểm tra trong cả quá trình hoạt động.

 Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.