Multimedia Đọc Báo in

Minh bạch thị trường cà phê đặc sản

08:44, 14/05/2019

Cà phê đặc sản Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ đối với cộng đồng kinh doanh, tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi mới chỉ manh nha hình thành, trên thị trường đã có sự mập mờ, giả mạo theo cách thức “treo đầu dê, bán thịt chó” và hệ lụy của nó rất khó lường.

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã để lại dấu ấn đậm nét trong cộng đồng tiêu dùng cà phê trong nước và thế giới. Giá trị sản phẩm tại cuộc thi được nâng cao gấp bội khi được các chuyên gia thử nếm quốc tế đầu ngành cà phê toàn cầu thẩm định, công nhận. Không chỉ các lô hàng đạt chuẩn được cấp Giấy chứng nhận Cà phê đặc sản mà những đơn vị có lô hàng chưa đạt chuẩn cũng được góp ý để cải tiến cách thức sản xuất, thu hoạch, chế biến cho mùa sau. Qua cuộc thi, người trồng cà phê cũng đã có những tính toán thận trọng để vừa quảng bá được tên tuổi, nông trại của mình vừa nâng cao vị thế của ngành hàng trên toàn cầu, đưa sản phẩm cà phê Việt Nam đạt tiêu chuẩn đặc sản thế giới đến với nhiều người nhất.

Các chuyên gia thử nếm Cupping cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.
Các chuyên gia thử nếm Cupping cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.

Điều không phải bàn cãi là dù bán với cách thức nào (chế biến thành phẩm hay bán dưới dạng cà phê nhân) thì cà phê đạt Chứng nhận đặc sản đều đem đến lợi ích trực tiếp cho người sản xuất một cách xứng đáng. Đáng tiếc là sau cuộc thi, sự thương mại theo cách thức rời rạc, mạnh ai nấy làm, “bán ngay khi được giá” vô tình làm đứt gãy tầm ảnh hưởng, giá trị của một sản phẩm mang tính chất tinh hoa của ngành cà phê. Mới đây, tại buổi giao lưu kết nối Cà phê đặc sản do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tương lai của Cà phê đặc sản Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu K-Pan (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cà phê đặc sản là sản phẩm tinh hoa của ngành cà phê toàn cầu và Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã góp phần khẳng định với cộng đồng tiêu dùng cà phê đặc sản thế giới rằng, nếu sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật thì Việt Nam cũng có cà phê Robusta đặc sản.

Sản xuất cà phê đặc sản tại một doanh nghiệp ở huyện Krông Năng.
Sản xuất cà phê đặc sản tại một doanh nghiệp ở huyện Krông Năng.

Bằng chứng là đã có một số nhà rang xay quốc tế đặt vấn đề mua sản phẩm cà phê đặc sản được công nhận từ cuộc thi thông qua các nhà rang xay trong nước. Tuy nhiên, các lô hàng cà phê đặc sản của những đơn vị tham gia cuộc thi gần như đã bán hết. Vì vậy họ đã cất công đến Việt Nam, tìm kiếm sản phẩm cà phê thành phẩm được giới thiệu là "Cà phê đặc sản được công nhận thông qua Cuộc thi". Thế nhưng đáng tiếc là đã xuất hiện tình trạng “đánh tráo”, mạo danh cà phê đặc sản đáng xấu hổ. Chỉ khi thấy nhãn bao bì sản phẩm ghi hương vị, chất lượng quá hoàn hảo so với tính chất đặc thù của cà phê Robusta, nhà rang xay đã nghi ngờ nên nhờ các chuyên gia thử nếm thẩm định. Kết quả là sản phẩm không phải cà phê đặc sản mà nó chỉ là "clean coffee" (cà phê  nguyên chất) mà thôi.

 
"Để thành lập được Hiệp hội cà phê đặc sản, bên cạnh việc tuân thủ theo quy định của pháp luật cũng cần có tinh thần tự nguyện, hợp tác của người làm cà phê đặc sản. Bởi bản thân Hiệp hội được hình thành và hoạt động theo cách thức tự nguyện và chỉ có những người tham gia sản xuất cà phê đặc sản mới tạo nên sự sôi động, sức sống dài lâu cho Hiệp hội".
 
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Một hành vi tưởng như vô hại nhưng hệ lụy của nó rất khó có thể đo đếm được, bởi cà phê đặc sản chỉ có giá trị khi được tiêu thụ theo "kênh" đặc sản với giá xứng đáng. Trong khi đó, cộng đồng tiêu dùng toàn cầu mới chỉ biết đến cà phê đặc sản Việt Nam thông qua Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 thì đã có người mua phải hàng giả, hàng nhái.

Điều này đã phá vỡ giá trị Cà phê đặc sản Việt Nam khi nó mới chỉ manh nha hình thành. Bởi sản phẩm được gọi là cà phê đặc sản phải đạt thang điểm từ 80 điểm trở lên theo quy trình chấm điểm của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới và được cộng đồng cà phê đặc sản toàn cầu thừa nhận. Để đạt số điểm từ 80 điểm trở lên, đòi hỏi người sản xuất phải kỳ công trong khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và chỉ cần sơ suất kỹ thuật một chút thì chất lượng thử nếm đã giảm, thậm chí phá hỏng kết quả của một mùa vụ.

Để ngăn chặn những hành vi tương tự nói trên, cộng đồng cà phê đặc sản Việt Nam đã kiến nghị cần sớm minh bạch thị trường cà phê đặc sản thông qua việc thành lập Hiệp hội Cà phê đặc sản. Theo đó, Hiệp hội Cà phê đặc sản sẽ công khai, minh bạch thông tin sản phẩm từ vườn cây (độ tuổi, giống, cách chăm sóc), đến thời gian thu hoạch, phương pháp, cách thức chế biến và sản phẩm thành phẩm để nhiều người biết đến cà phê đặc sản Việt Nam hơn. Song hành với đó, Hiệp hội sẽ là nơi kết nối cộng đồng cà phê đặc sản với các sự kiện đi kèm nhằm thu hút những nhà tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu đến với Việt Nam thông qua kênh cà phê đặc sản. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn là cách quảng bá ít tốn kém nhất hiện nay. Quan trọng hơn, về cơ bản Hiệp hội sẽ là nền tảng ban đầu để có thể đưa cà phê đặc sản có những bước đi vững chắc tiếp theo khi gia nhập cộng đồng cà phê đặc sản toàn cầu.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.