Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng cho vay tiêu dùng hạn chế "tín dụng đen": Cần sớm có quy định phù hợp

10:24, 22/05/2019

Để góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) đã dành 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng nhằm phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình.

Theo quy định, gói tín dụng trên tập trung cho vay phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình… áp dụng lãi suất hợp lý, với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng.

Đại diện Agribank Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi Agribank ban hành chương trình tín dụng trên, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo đến toàn hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội… để phổ biến kịp thời, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng.

Cán bộ Phòng giao dịch Agribank Ea Ô (huyện Ea Kar) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn.
Cán bộ Phòng giao dịch Agribank Ea Ô (huyện Ea Kar) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn.

Trong khi đó, ở một chi nhánh cấp 1 khác của Agribank trên địa bàn tỉnh là Agribank Bắc Đăk Lăk cũng đã nhanh chóng đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng này. Trong đó ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết với thủ tục hồ sơ vay vốn được rút gọn. Đặc biệt, ngày 18-4 vừa qua, Agribank Bắc Đăk Lăk được sự ủy quyền của Trụ sở chính Agribank đã phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp tiếp cận tín dụng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” tại huyện Cư M’gar. Qua hội nghị này đã kịp thời phổ biến chính sách, chương trình tín dụng của Agribank góp phần hạn chế vấn nạn tín dụng đen trên địa bàn.

Nhờ nỗ lực của các đơn vị Agribank trên địa bàn, chỉ sau hơn hai tháng triển khai, đến nay đã có 89 khách hàng được vay vốn với tổng số tiền giải ngân gần 2,5 tỷ đồng, trong đó tại Agribank Bắc Đăk Lăk có 74 khách hàng, với dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng; Agribank Đắk Lắk có 15 khách hàng, dư nợ 367,7 triệu đồng.

Với ưu điểm là thủ tục cho vay đơn giản và nhanh gọn, gói cho vay tiêu dùng này của Agribank được coi là một giải pháp, lựa chọn tối ưu đối với người dân nông thôn khi gặp vấn đề tài chính. Tuy nhiên, bản chất đây là khoản cho vay theo hình thức tín chấp, bởi người đi vay chỉ cần có xác nhận mục đích vay vốn của chính quyền địa phương thì sẽ được phía ngân hàng giải quyết cho vay mà không cần tài sản bảo đảm. Do đó, mặc dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhưng ở một khía cạnh nào đó, vẫn còn sự e dè nhất định của các đơn vị thực thi gói vay tại cơ sở.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo Agribank cấp huyện, việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân gặp khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, không có kế hoạch trước. Ngoài ra, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của ngân hàng. Mặt khác, vì bản chất đây là vay tín chấp nên tính rủi ro của khoản cho vay này là rất lớn, trong khi những quy định về xử lý rủi ro tín dụng là chưa rõ ràng... Những khúc mắc đó đã phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho vay của các đơn vị đối với gói tín dụng này.

Người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) làm thủ tục vay vốn qua điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng của Agribank Đắk Lắk.
Người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) làm thủ tục vay vốn qua điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng của Agribank Đắk Lắk.

Việc mở rộng cho vay tiêu dùng hạn chế “tín dụng đen” rõ ràng là chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhưng để chủ trương này phát huy hiệu quả hơn nữa, các ngân hàng mạnh dạn trong quá trình thực hiện, rất cần có những quy định phù hợp đi kèm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có chính sách cho vay tiêu dùng riêng trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay… và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng nói trên. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và đề cao trách nhiệm trong việc xác nhận mục đích vay vốn của người dân để vốn vay phát huy hiệu quả cao nhất.

Với hạn mức vay vốn được Agribank cung cấp sẵn, khi có nhu cầu, khách hàng trên địa bàn nông thôn hoàn toàn có thể rút tiền nhanh chóng. Các trường hợp có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, Agribank vẫn áp dụng triển khai với những gói tín dụng phù hợp.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.