Nỗ lực đưa gói cho vay 5.000 tỷ đến gần dân
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã triển khai gói tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân. Đây là một trong những giải pháp tích cực, góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen" đang phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Tại Đắk Lắk, ngay sau khi có những chỉ đạo, hướng dẫn từ hội sở, Agribank Đắk Lắk đã triển khai thực hiện đến các đơn vị trực thuộc. Theo một lãnh đạo Agribank Đắk Lắk, với nhận thức đây là gói tín dụng có ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thống của người dân, từ đó góp phần giảm áp lực về "tín dụng đen" tại địa phương nên việc triển khai hiệu quả là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là gói tín dụng mới, lại mang tính đặc thù nên để triển khai hiệu quả, giúp người dân biết và tận dụng tốt khoản vay đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía ngân hàng. Do đó, ngay sau khi Agribank ban hành chương trình tín dụng này, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phổ biến kịp thời đến các đơn vị trực thuộc, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, Agribank Đắk Lắk đã từng bước đưa thông tin về gói cho vay này đến gần với người dân nhất. Bên cạnh hệ thống băng rôn thiết kế bắt mắt, thể hiện đầy đủ thông tin về gói cho vay như đối tượng, thủ tục, hạn mức... được treo ở những vị trí dễ quan sát nhất tại tất cả các đơn vị trực thuộc. Agribank Đắk Lắk đã chỉ đạo đến toàn hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội… để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về gói cho vay đến với người dân.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Cư Kuin (bìa trái) kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn. |
Đặc biệt, Agribank Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đóng chân trên địa bàn xây dựng những chuyên mục, chương trình, chuyên đề tuyên truyền chuyên sâu về việc mở rộng cho vay tiêu dùng của đơn vị, góp phần hạn chế tín dụng đen tại địa phương.
Không chỉ gói tín dụng phục vụ tiêu dùng, thời gian qua Agribank Đắk Lắk cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116 để đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. |
Để người dân biết là một chuyện, làm thế nào giúp họ được vay và sử dụng hiệu quả vốn vay mới là yếu tố cốt lõi góp phần hạn chế nạn "tín dụng đen". Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Krông Ana Phạm Công Thu cho rằng, để mở rộng thị trường tín dụng nói chung, tín dụng cho vay tiêu dùng nói riêng thì phải từ căn bản là người đi vay. Người có khả năng, nhu cầu vay tiền hay không đều phải có kế hoạch tài chính. Bởi tín dụng ngân hàng dù có “thoáng” đến đâu chăng nữa vẫn không thể có mặt “mọi lúc, mọi nơi” để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cụ thể ở đây, gói cho vay phục vụ tiêu dùng của Agribank được xem là đã rất “thoáng”, là cho vay dạng tín chấp, hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Rõ ràng dù là vay theo hình thức tín chấp, thời gian giải ngân rất ngắn, nhưng vẫn phải có “thời gian xét duyệt”, nghĩa là phải bảo đảm thủ tục đầy đủ theo quy định. Do đó, để tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận được khoản vay này, Agribank Chi nhánh huyện Krông Ana đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ các quy định để có kế hoạch tài chính phù hợp, không bị rơi vào cảnh túng thiếu đột xuất mà ngân hàng không thể hỗ trợ được.
Với những nỗ lực của Agribank Đắk Lắk, hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người dân trên địa bàn tỉnh biết và hiểu rõ gói tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng này. Từ đó hạn chế dựa vào “kênh tín dụng đen", góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc