Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nghề trồng nấm từ phế phẩm nông nghiệp

09:38, 23/05/2019

Những năm gần đây, nhiều nông dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) mạnh dạn đầu tư trại trồng nấm để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ việc tận dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu rơm và các phế phẩm nông nghiệp.

Quảng Điền là xã nông nghiệp, phần lớn chuyên canh cây lúa nước, tổng diện tích gieo trồng hằng năm từ 1.800 – 1.900 ha. Sau mỗi vụ thu hoạch, khối lượng rơm rạ và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp là rất lớn, trong đó một khối lượng lớn rơm rạ chưa được sử dụng. Do đó, nghề trồng nấm tại địa phương hình thành từ việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có.

Anh Trần Văn Tuế (thôn 3, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) điều chỉnh ánh sáng phù hợp cho trại nấm của gia đình.
Anh Trần Văn Tuế (thôn 3, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) điều chỉnh ánh sáng phù hợp cho trại nấm của gia đình.

Là một trong những hộ trồng nấm đầu tiên của xã Quảng Điền, anh Trịnh Tấn Lực (thôn 3) đã có thâm niên 7 năm kinh nghiệm trồng nấm rơm. Anh cho biết, gia đình có 5 sào trồng cà phê, 5 sào lúa nước. Những năm gần đây, giá cà phê thấp, thu chỉ đủ chi, trong khi lúa thì chủ yếu lấy công làm lãi, chứ không có dư. Do đó năm 2012, qua tìm hiểu một số mô hình trồng nấm trên địa bàn huyện, anh bàn với vợ bỏ ra ít vốn đầu tư để làm nấm.

Vừa học hỏi kinh nghiệm trong sách vở, vừa tự mày mò, vợ chồng anh xây một trại nấm rộng 60 m2. Hằng tháng, phôi nấm anh nhập từ một thương lái tại địa phương, còn rơm làm nấm tận dụng từ rơm của gia đình và những nhà trồng lúa trong xã. Còn công chăm sóc, thu hoạch nấm đều được vợ chồng anh tranh thủ trong thời gian nhàn rỗi. Do đó, nếu giá nấm dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, hằng tháng vợ chồng anh có lãi trên 5 triệu đồng. Theo anh, việc trồng nấm không khó, song đòi hỏi phải kỹ lưỡng trong khâu xử lý nguyên liệu, nhất là việc ủ rơm và chọn phôi. Nếu làm tốt hai khâu này, tỷ lệ thành công sẽ đạt 90%, còn lại 10% phụ thuộc vào giá cả thị trường.

Tương tự, hộ anh Trần Văn Tuế (thôn 3), dù mới biết đến nghề trồng nấm hơn một năm nay, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khi nấm là cây trồng thích hợp với khí hậu, lại sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Năm 2018, gia đình anh xây trại nấm 25 m2 nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ của nhà và công chăm sóc trong thời gian nhàn rỗi. Với diện tích đó, mỗi lứa anh cấy 400 bịch nấm rơm.

Anh Tuế cho hay, thời gian đầu làm chưa quen nên sản lượng nấm thu về không cao. Do vậy, cứ rảnh lúc nào anh đến các hộ có kinh nghiệm trồng nấm rơm để học hỏi. Sang năm 2019, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana mở lớp dạy trồng nấm cho các hộ dân nên anh đã đăng ký tham gia lớp học. Từ kinh nghiệm thực tế và qua thời gian tham gia lớp học, anh bàn với vợ mở rộng diện tích trồng nấm rơm. Hiện gia đình anh đang xây thêm 2 trại nấm, mỗi trại 25 m2. Anh cho biết thêm, nhà anh có 1 ha đất trồng lúa nước nên nguồn nguyên liệu từ rơm khá nhiều, do vậy nếu mở rộng diện tích trồng nấm, anh sẽ tận dụng được hết số rơm của gia đình.

Anh Trịnh Tấn Lực kiểm tra các bịch nấm sau khi cấy phôi.
Anh Trịnh Tấn Lực kiểm tra các bịch nấm sau khi cấy phôi.

Số hộ trồng nấm tại địa phương ngày càng đông, song hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Do đó cuối năm 2018, mô hình Tổ hợp tác làm nấm xã Quảng Điền được thành lập, với mục đích liên kết các hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất để phát triển nghề trồng nấm theo hướng liên kết chuỗi, tận dụng hiệu quả sản phẩm phụ trong trồng trọt, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tổ hợp tác có khoảng 20 tổ viên tham gia, phần lớn vốn tự huy động của các tổ viên. Về nguyên tắc hoạt động, các tổ viên sẽ hỗ trợ giúp nhau trong quá trình sản xuất, hộ có kinh nghiệm sẽ truyền đạt lại cho các hộ mới, tổ viên qua đào tạo nghề sẽ giúp đỡ những người chưa tham gia học nghề.

Ông Châu Thành Chúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền cho biết, nghề trồng nấm phát triển sẽ tạo việc làm ổn định cho người lao động, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường do phế phụ liệu ngành nông nghiệp gây ra. Đặc biệt, trồng nấm theo hướng liên kết sẽ từng bước đưa nghề này ở Quảng Điền phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tổ hợp tác nấm Quảng Điền có vốn hoạt động hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng trại hơn 1,2 tỷ đồng và gần 300 triệu đồng tiền đầu tư phôi nấm, số vốn này đều do các tổ viên tự túc. Ngoài ra, UBND xã sẽ hỗ trợ kinh phí về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm cho các tổ viên.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.