Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất lúa gạo hữu cơ: Hướng đi mới của nông dân Buôn Trấp

10:16, 22/05/2019

Với mong muốn sản xuất ra sản phẩm lúa gạo sạch và chất lượng, không ảnh hưởng đến môi trường, thời gian gần đây một số hộ nông dân ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống, chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả.

Gia đình anh Bùi Khắc Kiểm (tổ dân phố 3, thị trấn Buôn Trấp là nông hộ tiên phong trong việc trồng lúa theo hướng hữu cơ. Với diện tích 4 ha đất, nhiều năm qua gia đình anh trồng lúa theo phương pháp canh tác truyền thống. Tuy vậy, anh vẫn luôn trăn trở trước những bất cập trong sản xuất, về những ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và sức khỏe con người.

Sau khi tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, Internet…, anh nhận thấy việc sử dụng sản phẩm sinh học có tác động tốt cho môi trường cũng như mang lại năng suất, chất lượng cao. Vụ đông xuân 2018 - 2019, anh Kiểm quyết định trồng thử nghiệm 2 ha giống lúa ST24, sử dụng thuốc sinh học Biofly của Công ty Hóa dược Hoàng An (TP. Hồ Chí Minh), đồng thời được công ty hỗ trợ về kỹ thuật, thuốc sinh học và bao tiêu sản phẩm. 2 ha còn lại anh trồng giống lúa RVT và Đài thơm, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học Mr. Five của Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao (TP. Hồ Chí Minh), được trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 1.000 -1.200 đồng/kg.

Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp tham quan mô hình trồng lúa của gia đình anh Bùi Khắc Kiểm.
Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp tham quan mô hình trồng lúa của gia đình anh Bùi Khắc Kiểm.

Anh Kiểm chia sẻ, bón phân sinh học rất lợi cho cây lúa, một vụ chỉ cần bón 2 lần, còn sử dụng phân hóa học phải bón ít nhất 4 lần/vụ, vì vậy giảm được chi phí. Thuốc sinh học lại có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ làm sâu bệnh chán ăn, yếu dần và chết, vì thế hạn chế được sâu bệnh, giúp cây lúa cứng cáp, lá dày, hạt lúa chắc, có độ bóng, phát triển khỏe mạnh. Sau khi thu hoạch, ruộng lúa gia đình anh đạt năng suất 7,5 tấn/ha. Do lần đầu trồng được giống lúa theo hướng hữu cơ, an toàn cho sức khỏe nên anh Kiểm đã giữ lại 2/3 số lúa để bán cho bà con trong vùng sử dụng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh lãi hơn 80 triệu đồng.

Tương tự, gia đình anh Bùi Quang Toản (tổ dân phố 3) có 3,5 ha đất ruộng, trồng giống lúa RVT, Đài thơm. Trong đó, có 1,8 ha sử dụng thuốc sinh học Biofly của Công ty Hóa dược Hoàng An và 1,7 ha sử dụng phân bón sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học Mr. Five của Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao. Anh Toản cho hay, khi mới chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gia đình anh không khỏi lo lắng. Tuy vậy sau thời gian chăm sóc, tuân thủ đúng kỹ thuật, bón phân, phun thuốc cho lúa đúng thời điểm, chu kỳ, cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Vì là vụ đầu tiên trồng thử nghiệm nên chỉ khi thu hoạch xong, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha anh mới thở phào nhẹ nhõm vì đã sản xuất thành công sản phẩm lúa hữu cơ. Cũng như gia đình anh Kiểm, anh Toản đã giữ số lúa này bán cho bà con trong vùng với mong muốn mang sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Xuân Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cho biết, hiện tại địa phương có khoảng 2.500 ha lúa, nhưng chỉ mới có 7,5 ha trồng theo phương thức hữu cơ. Hội Nông dân thị trấn đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân về nông nghiệp sạch, góp phần vào sự phát triển của Thương hiệu gạo Krông Ana. Sắp tới Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp sẽ ký kết hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao hỗ trợ kỹ thuật, sản phẩm sinh học và bao tiêu sản phẩm cho người dân, với diện tích bước đầu khoảng 7 – 10 ha lúa.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.