Thấp thỏm chờ giá điện mặt trời mới!
Tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án điện mặt trời (ĐMT). Tuy nhiên, dự thảo giá bán ĐMT mới với mức thấp hơn nhiều so với hiện tại liệu có đủ sức hút, khuyến khích phát triển lĩnh vực này?
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, các dự án vận hành thương mại từ thời điểm này được hưởng mức giá mua điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh) trong 20 năm và không phân biệt vùng bức xạ. Tuy nhiên, quy định này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6-2019 và Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo cơ chế mới để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6-2019. Dự thảo này đang khiến các tỉnh, thành, nhà đầu tư ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cảm thấy chưa thuyết phục vì giá mua ĐMT thấp.
Theo dự thảo của Bộ Công thương, ĐMT sẽ được mua theo 4 mức giá khác nhau ở 4 vùng trên cả nước, trong đó Đắk Lắk được xếp vào vùng 4 – khu vực có bức xạ cao nhất cả nước - cùng các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cụ thể, dự án ĐMT nổi vùng 1 được mua 2.159 đồng/kWh, vùng 2: 1.857 đồng/kWh, vùng 3: 1.644 đồng/ kWh, vùng 4: 1.566 đồng/kWh. Đối với dự án ĐMT mặt đất, giá mua tương ứng theo các vùng lần lượt là: 2.102 đồng/kWh, 1.809 đồng/kWh, 1.620 đồng/kWh và 1.525 đồng/kWh. Theo quy định tại dự thảo này, giá mua điện tại Đắk Lắk cùng các tỉnh thuộc vùng 4 thấp hơn nhiều so với các vùng khác và thấp hơn nhiều so với mức giá cũ.
Thi công một dự án điện mặt trời tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. |
Theo Sở Công thương, giá mua điện trên là chưa phù hợp với địa phương, bởi các khu vực có tiềm năng lớn về ĐMT tại tỉnh thì đất đai cằn cỗi, thiếu nước, canh tác không hiệu quả, do đó giá bán điện lại rẻ hơn so với khu vực phía Bắc và các vùng khác là bất hợp lý, không thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển năng lượng sạch, trong đó có ĐMT đang rất cần thiết nhờ hiệu quả bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, với khung giá điện như trên nếu được áp dụng đối với tỉnh Đắk Lắk thì không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án ĐMT đã đầu tư, đăng ký đầu tư và hàng chục nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lập dự án. Hiện 10 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất 930 MWp (4 dự án đã đi vào hoạt động, 6 dự án sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm 2019), 16 dự án đang chờ Bộ Công thương phê duyệt, tổng công suất 2.375 MWp và 6 dự án đang hoàn thiện hồ sơ dự án trình cơ quan chức năng phê duyệt, tổng công suất gần 1.300 MWp.
Các nhà đầu tư cho rằng, bảng giá mua ĐMT dự kiến không những thấp hơn mức giá cũ mà còn không chênh lệch nhiều so với các nguồn điện khác, trong khi suất đầu tư ĐMT cao hơn nhiều. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không còn mặn mà bỏ vốn ra đầu tư. Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, nếu đầu tư ĐMT ở khu vực phía Bắc thì không hiệu quả, bởi dù giá bán cao nhưng sản lượng quá thấp thì doanh nghiệp cũng không có lợi.
Còn tại Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh khác thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nói chung thì thuận lợi để sản xuất ĐMT, nhưng nếu giá bán quá thấp thì doanh nghiệp cũng không muốn đầu tư. Doanh nghiệp này đang có kế hoạch đầu tư dự án ĐMT trên địa bàn Đắk Lắk, nhưng đang chờ quy định mới về giá bán điện chính thức để cân nhắc, nếu tính toán mà không hiệu quả, sẽ không tiếp tục đầu tư.
Toàn cảnh Trang trại điện mặt trời BMT dưới chân đập thủy lợi Krông Búk Hạ. |
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến về giá mua ĐMT tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Theo UBND tỉnh, những dự án ĐMT tại các huyện có tiềm năng trong tỉnh đang được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, theo nội dung dự thảo thì thực hiện theo nguyên tắc vùng có bức xạ cao có giá mua điện thấp và vùng bức xạ thấp có giá mua cao hơn. Điều này sẽ không khuyến khích phát triển ĐMT tại các khu vực có cường độ bức xạ cao, dẫn đến địa phương có tiềm năng tốt, nhưng không thu hút, hấp dẫn đầu tư. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh dự thảo theo hướng áp dụng chính sách giá mua điện chung cho tất cả các tỉnh, nhằm tạo điều kiện phát huy, khai thác tiềm năng của địa phương. Trong trường hợp áp dụng phân chia vùng, đề nghị xem xét thêm các điều kiện thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến chi phí đầu tư dự án theo vùng, bởi đối với Đắk Lắk, đa số dự án ĐMT tập trung tại các huyện Buôn Đôn và Ea Súp thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn nên chi phí đầu tư rất cao. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị đưa Đắk Lắk vào vùng 2.
Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng phát triển ĐMT rất cao, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 5 kWh/m2/ngày, khả năng sản xuất ĐMT có thể đạt 95 GWh/năm. Bên cạnh các dự án ĐMT quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp, hộ dân cũng đang muốn đầu tư ĐMT mái nhà, nhưng giá mua điện đang dự kiến điều chỉnh cũng khiến các nhà đầu tư tỏ ra e dè. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc