Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả 2 trong 1
Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được xem là 2 cuộc “cải tổ” về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc thực hiện lồng ghép 2 nội dung này đã và đang góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.
Theo Sở NN-PTNT, để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đơn vị đã chú trọng thực hiện các đề án tái cơ cấu ở các lĩnh vực chuyên ngành và kế hoạch chuyên đề bảo đảm phù hợp với thực tế, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo tập trung đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, các đề án, quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý và thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp luôn duy trì ở mức trên 4,5%/năm; cơ cấu sản xuất được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, nhất là trồng trọt đã chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế như các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế (bơ, sầu riêng, cam, quýt...).
Mặt khác, hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao và kinh tế hợp tác được tăng cường. Theo đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai đã làm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả trồng trọt trên 1 ha đất nông nghiệp, tạo cơ sở để người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm nước, phân bón và quản lý dịch hại tổng hợp).
Theo thống kê sơ bộ, đến nay toàn tỉnh có trên 19.000 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 90% diện tích đất canh tác cây hằng năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất; chăn nuôi chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (chiếm khoảng 20%).
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị của xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Tổ chức sản xuất theo đó cũng có sự thay đổi theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hiện trong tổng số 223 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, có 62 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, gồm: 16 HTX liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, 10 HTX liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra và 36 HTX liên kết với doanh nghiệp vừa cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Các HTX nông nghiệp đã thực sự là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ở một số vùng sản xuất chuyên canh, diện tích lớn, tập trung vào một số loại sản phẩm có khối lượng nhiều đã được các HTX liên kết với nhà máy chế biến nông sản để tiêu thụ sản phẩm như: cà phê có chứng nhận, lúa, gạo, mía, ca cao... Hoạt động hiệu quả của nhiều HTX đã góp phần hình thành nên các mô hình liên kết trong sản xuất, nhất là các nông sản chủ lực của tỉnh, tiêu biểu như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kiết, HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Cư Dliê Mnông (huyện Cư M'gar), HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat (huyện Krông Pắc), HTX Dịch vụ thương mại nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông), HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar)...
Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân bước đầu đã khai thác nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất.
Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có 342 trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công (trong đó 247 trang trại heo và 95 trang trại gà). Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và định hướng sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn.
Khu vực phơi sấy sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của nông hộ ở xã Cư Suê (huyện Cư M'gar). |
Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, việc xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, việc gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM đã thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của các địa phương. Nhờ vậy, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2018, dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (thuộc Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2018 – 2020) đã triển khai thực hiện hỗ trợ được 84 dự án liên kết chuỗi, với tổng kinh phí trên 14,2 tỷ đồng. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc