Tìm hướng nâng cao giá trị và đa dạng hóa thị trường cho hạt cà phê
Từ vài năm nay, sản lượng cà phê Việt Nam - nước sản xuất và xuất khẩu loại Robusta lớn nhất thế giới - đạt bình quân từ 1,7 - 1,8 triệu tấn, trong đó tỉnh Đắk Lắk chiếm khoảng 450.000 - 460.000 tấn. Với chừng ấy sản lượng, nước ta có tầm ảnh hưởng rất lớn về mặt cung ứng song vẫn chưa thực sự có tiếng nói trọng lượng về mặt giá cả và chất lượng trên thị trường cà phê thế giới.
“Vấn đề” trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị
Giá cà phê trong nước đang chịu lệ thuộc rất nhiều vào giá niêm yết của sàn kỳ hạn cà phê robusta London.
Cách đây vài chục năm, nhiều nước sản xuất vẫn thấy giá niêm yết trên sàn kỳ hạn còn phản ánh phần nào tình hình cung - cầu. Nhưng từ cuối thập niên 1990 đến nay, các quỹ đầu tư tài chính thế giới dùng lượng vốn khổng lồ để áp đặt giá các sàn kỳ hạn. Thị trường đã từng thấy có lúc giá kỳ hạn chỉ còn dưới 400 USD/tấn như đầu thập niên 2000. Sức mạnh tài chính của các quỹ đầu tư (có lúc kết hợp với các nhà kinh doanh mạnh tiền theo hướng đầu cơ tích trữ cà phê trên sàn và tại các kho rải rác khắp thế giới) đã khuynh đảo giá trên sàn cà phê, xa rời yếu tố cung - cầu. Mới đây, Hiệp hội Cà phê Colombia đã lên tiếng yêu cầu sàn kỳ hạn cần giao dịch theo giá trị thực của cà phê để bảo vệ nông dân và nền sản xuất cà phê bền vững của họ.
Nông dân huyện Krông Năng thu hoạch cà phê. Ảnh: H. Gia |
Nhìn từ góc độ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị thực tế trong kinh doanh xuất khẩu cà phê, đường đi hiện nay của hạt cà phê Việt Nam là từ nhà nông qua các công ty xuất khẩu (cấp trung gian) và hầu hết sản lượng cà phê bán ra nước ngoài đi thẳng đến các nhà trung gian quốc tế có vốn nhiều, sử dụng giá sàn kỳ hạn làm “kim chỉ nam’’.
Những công ty kinh doanh trung gian quốc tế (International trading houses) này thường không quan tâm mấy đến chất lượng mà chỉ cần mua lượng lớn với giá rẻ nhất có thể và bán đi đâu thì nông dân sản xuất cà phê không hề biết. Thế mới hiểu tại sao chất lượng cà phê Việt Nam bị cho là không đồng đều và giá bán thường được trả rẻ nhất! Lẽ ra, người tiêu thụ lớn nhất của chuỗi cung ứng cà phê phải là các nhà rang xay lớn nhỏ trên toàn thế giới và trong nước bởi chính họ là người muốn chất lượng thế nào và trả giá xứng đáng với chất lượng cà phê đó.
Thị trường trong nước bị “bỏ quên”
Ở đây, không chỉ nói về thị trường tiêu thụ nội địa. Thật ra, kích thích sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cà phê là vấn đề quan trọng hơn khi nói đến thị trường trong nước.
Do chưa có thống kê cụ thể, hằng năm mức tiêu thụ trong nước ước chừng 120.000 tấn quy ra cà phê hạt. Một con số quá ít ỏi! Tuy nhiên, một số ước đoán khá lạc quan cho rằng con số tiêu thụ nội địa hiện nay có thể lên con số trên 200.000 tấn nhờ các chuỗi quán cà phê sạch, ngon và đặc sản đang phát triển nhiều và nhanh chóng.
Thật vậy, không cần chứng minh bằng các con số, những chuỗi quán cà phê sạch, ngon và đặc sản vừa là nhà rang xay của các chủ doanh nghiệp trong nước đã tăng nhanh tại các đô thị trên khắp cả nước như The Married Beans (Đà Lạt), The Coffee House, Shin Specialty Coffee (TP. Hồ Chí Minh), L’Amant (Pleiku), Bazan Coffee (Đắk Nông), Soul Specialty Coffee, Populus, AMA Coffee (TP. Buôn Ma Thuột) và nhiều tên tuổi tại nhiều tỉnh thành khác không đếm hết… đang tạo nên một làn sóng tiêu thụ cà phê sạch, ngon, hấp dẫn người tiêu dùng tìm đến cà phê đặc sản, là một xu hướng tiêu thụ mới tăng nhanh như vũ bão tại nhiều nước tiêu thụ hiện nay.
Nếu như nhiều nhà kinh doanh quốc tế chỉ muốn mua cà phê nguyên liệu giá rẻ và chất lượng trung bình, thì những nhà rang xay ngay trong nước coi trọng nhất là chất lượng từ khâu thu hái. Ngành cà phê nên tìm cho được người sử dụng cuối cùng của chuỗi cung ứng chính là các hãng rang xay trong nước và thế giới.
Chỉ thông qua con đường “cà phê đặc sản”, nông dân mới có điều kiện sống với nghề, an tâm hơn nhiều so với bán cà phê theo kiểu đại trà như hiện nay. |
Trong khi giá cà phê nguyên liệu hiện nay trên thị trường “hàng xá” chừng 30 triệu đồng/tấn thì các nhà rang xay nội địa ngay tại Việt Nam có thể trả cho nông dân đến 60 triệu đồng/tấn, tương đương với 2.580 USD/tấn (tỷ giá 23.250 VNĐ = 1 USD) không chịu chi phí xuất khẩu, cao hơn nhiều so với giá niêm yết sàn London ngày 24-5-2019 chỉ 1.368 USD/tấn chưa trừ phí xuất khẩu và vận tải.
Tách khỏi sàn kỳ hạn không phải nói là làm được. Nên chăng tìm một số biện pháp khả dĩ hữu hiệu để giúp nông dân nâng cao giá trị gia tăng ngay trên vườn cà phê của mình. Yêu cầu nông dân hái chọn trái chín khi thu hoạch, nhưng chỉ trả tiền theo cách mua bán “hàng xá” thì làm sao họ phải thực hiện? Nhiều nhà rang xay và chuỗi quán cà phê đặc sản Việt Nam sẵn sàng trả 200.000 đồng cho công hái 100 kg cà phê tỷ lệ trái chín gần bằng 100%. Như vậy, người nông dân đã tạo nên giá trị gia tăng thêm 10.000 đồng mỗi ký để cải thiện trong khi giá cà phê “chợ” đang lao đao.
Chế biến cà phê đặc sản ở xã Ea Tân, Krông Năng. Ảnh: H. Gia |
Đã có nhiều lời kêu gọi liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đến nay hầu như không thể thực hiện được trên diện rộng lẫn diện hẹp. Nhưng những người trong “làn sóng mới” của thị trường cà phê làm được. Những chuỗi quán và rang xay này cùng với nhiều nông dân đã tự cam kết với nhau để sản xuất nên những hạt cà phê có trách nhiệm từ khâu thu hái, chế biến, phục vụ tiêu dùng theo phương châm đầy trách nhiệm “từ vườn đến ly cà phê’” (from Farm to Cup).
Những người trong phong trào này đang cố tập hợp lại với nhau, từ nông dân đến chủ chuỗi quán và rang xay nội địa đã tự bỏ ra số tiền lớn để học nghề vì tâm huyết, gắn bó với cây, ly cà phê, mong sao được phục vụ người tiêu thụ bằng thứ cà phê sạch nhất, ngon nhất và tiến đến tầm thưởng thức các đặc sản cà phê do nước ta làm nên. Họ đang cần cơ chế, tổ chức như là có một hiệp hội để cùng nhau học hỏi, trau dồi và phát triển nghề cà phê theo phương châm “từ vườn đến ly cà phê’’.
Xu hướng tiêu thụ cà phê đặc sản đang lớn mạnh
Xu hướng tiêu thụ cà phê ngon, đặc sản đã có tại Mỹ từ đầu thập niên 1990. Số liệu của Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ (NCA) cho biết tại nước này có đến 63% người trưởng thành uống cà phê hằng ngày, trong đó đến 59% là cà phê đặc sản. Mức tăng trưởng cà phê đặc sản Mỹ từ 9% năm 1999 tăng lên mức 61% vào năm 2019.
Tại nhiều vùng tiêu thụ khác như châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á… và ngay cả Trung Quốc, các chuỗi quán cà phê đặc sản đang thu hút lượng lớn người tiêu thụ. Có thể nói, chính các quán riêng lẻ, các chuỗi quán và rang xay đã khuyến khích nông dân trồng cà phê bền vững chứ không ai khác.
Xu hướng tiêu thụ cà phê đang thay đổi cấu trúc thương mại. Vừa qua, trong đợt “đấu xảo” cà phê đặc sản tại Boston (Hoa Kỳ), một mẫu cà phê Robusta từ tỉnh Đắk Lắk được các giám khảo quốc tế chấm điểm là một trong 12 mẫu cà phê ngon nhất thế giới của niên vụ này, đạt 82 điểm trong thang điểm từ 80 - 100 của hệ thống đánh giá quốc tế về cà phê đặc sản. Đó chính là mẫu cà phê từ Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu.
Đáng tiếc đấy chỉ là trường hợp đơn lẻ. Tỉnh Đắk Lắk và cả Việt Nam không chỉ có Ea Tu mới sản xuất được cà phê đặc sản… Nếu được tập hợp trong một tổ chức hay hiệp hội, tin tưởng rằng con số cà phê ngon, đặc sản được thị trường cà phê công nhận sẽ nhân lên nhiều lần.
Nguyễn Quang Bình
Ý kiến bạn đọc