Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ những giống lúa mới ở Krông Ana

08:49, 30/05/2019

Nhằm giúp nông dân lựa chọn những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng để ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn để bà con tham quan và học tập.

Tại cánh đồng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, bà con nông dân đến tham quan mô hình trình diễn hai giống lúa J01 và Dự Hương không khỏi trầm trồ trước những thửa ruộng lúa trĩu hạt. Đa số bà con cho rằng, triển vọng phát triển 2 giống lúa này ở vùng Đắk Lắk là rất cao, nhất là J01 vì khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu rất tốt.

Ông Nguyễn Anh Phú, chủ mô hình giống lúa J01 cho biết, gia đình được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn giống lúa J01 của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group). Sau hơn 3 tháng thực hiện cho thấy, giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống trước đây gia đình hay sử dụng như: tỷ lệ nảy mầm trên 92%, sức nảy mầm khỏe, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất trên 9 tấn/ha (cao hơn giống lúa khác khoảng gần 2 tấn/ha). Đặc biệt, lúa trổ tập trung, chín đồng loạt, tỷ lệ hạt chắc/bông cao (89%); chịu hạn, chịu phèn và kháng bệnh khô vằn, rầy nâu khá tốt; hạt gạo to bầu không bạc bụng, chất lượng gạo rất tốt.

Nông dân gặt lúa để kiểm tra năng suất của mô hình.
Nông dân gặt lúa để kiểm tra năng suất của mô hình.

Còn đối với mô hình trình diễn các giống BC 15, TBR225, TBR 279 của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed) cũng được rất nhiều nông dân rất quan tâm. Ông Huỳnh Quốc Tuấn (thôn 5, xã Bình Hòa) cho hay, vụ đông xuân 2018 - 2019 được sự hỗ trợ giống của Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana, gia đình được tham gia thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa BC 15, TBR 225, TBR 279. Quá trình gieo trồng và chăm sóc cho thấy, cả 3 giống lúa này rất dễ chăm sóc, kháng sâu bệnh ở các giai đoạn, cây đẻ nhánh khỏe, cứng cây, làm đòng và trổ bông đồng loạt. Cả 3 giống kháng bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu ở mức khá, năng suất bình quân 3 giống đạt 9,86 tấn khô/ha, năng suất cao hơn các giống đang gieo trồng tại địa phương vào khoảng 1,5 -1,7 tấn khô/ha.

Nhằm đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và dần thay thế các giống lúa thuần cũ đang ngày càng thoái hóa, giảm năng suất, vụ đông xuân 2018 - 2019, Trạm đã phối hợp với các công ty sản xuất giống xây dựng được 5 mô hình trình diễn (các giống lúa mới như: TBR 279, TBR 225, BC15 của Công ty Thaibinh seed và giống J01, Dự Hương 8 của Vinaseed Group) tại xã Quảng Điền và Bình Hòa.

Qua theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển và những đặc tính sinh học, bước đầu đánh giá các giống lúa này tương đối phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện Krông Ana. Mặc dù đầu vụ đông xuân, thời tiết có nhiều bất lợi, mưa gây ngập úng nhiều vùng, nhưng các giống lúa này sinh trưởng và phát triển khá tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, ít bị nhiễm bệnh. Trong các buổi hội thảo mô hình, sau khi được nếm thử cơm từ gạo của những loại lúa trên, đại biểu đều đánh giá đây là những giống có năng suất và chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với nhu cầu thị trường gạo hiện nay. Việc đưa các giống lúa này vào gieo cấy sẽ giúp nông dân trên địa bàn huyện có thêm nhiều sự lựa chọn về giống và giúp địa phương hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mô hình trình diễn giống lúa J01 tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).
Mô hình trình diễn giống lúa J01 tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Theo ông Phạm Đình Thẩm, Phó Giám đốc Vinaseed Chi nhánh Đắk Lắk, Dự Hương 8 là giống lúa thuần cảm ôn do Vinaseed Group chọn tạo; còn giống lúa J01 có nguồn gốc từ Nhật Bản, do Viện Di truyền Nông nghiệp và Vinaseed Group phối hợp tuyển chọn, cả 2 đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm. Hai giống lúa này lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn Đắk Lắk để đánh giá đặc tính phù hợp của giống lúa, trên cơ sở đó thực hiện các mô hình tiếp theo trong các vụ tới. Mục tiêu của phía công ty mong muốn là cùng bà con nông dân phát triển các giống mới, chất lượng cao đáp ứng được việc liên kết sản xuất hàng hóa và mục tiêu xa hơn là để đưa gạo J01 sang thị trường Nhật Bản.

Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, dựa trên kết quả thực tế từ mô hình, bước đầu cho thấy giống lúa trồng thử nghiệm tại các mô hình đã thể hiện được tính thích nghi đối với vùng đất Krông Ana. Tuy nhiên để nhân rộng và từng bước thay thế dần những giống lúa đã cũ hoặc đa dạng hóa cơ cấu giống thì địa phương và các công ty giống cần phối hợp thực hiện thêm nhiều mô hình trong nhiều vụ để có sự đánh giá chính xác hơn. Đồng thời, để bà con nông dân tin tưởng sử dụng, phát triển các giống mới, phía công ty cũng cần tính đến vấn đề liên kết sản xuất trong thời gian tới.

Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana cho rằng, các mô hình trình diễn trong vụ đông xuân 2018 - 2019 đều đạt được kết quả cao. Tuy nhiên, để bà con nông dân áp dụng các giống lúa này vào sản xuất lâu dài, công ty giống cần tạo được chuỗi sản xuất để ổn định đầu ra cho bà con nông dân.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.