Agribank đồng hành cùng nông dân thời "rớt giá"
Thời gian gần đây, các loại nông sản chủ lực của tỉnh liên tục rớt giá khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Với vai trò chủ lực trong việc cấp tín dụng phục vụ tam nông ở địa phương, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã có những sự chuẩn bị nhất định để hỗ trợ kịp thời cho người nông dân.
Ông Ama Phan (buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) có gần 2 ha cà phê xen tiêu đang cho thu hoạch. Cách đây hơn 3 năm gia đình ông vay 400 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Cư Kuin để đầu tư vườn cây bài bản. Khi quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư, giá tiêu đang ở mức cao nên ông đinh ninh rằng sẽ nhanh chóng thu hồi vốn, bảo đảm trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn. Thế nhưng không ngờ giá tiêu, cà phê lại giảm sâu, liên tục xuống thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nên khả năng trả nợ đúng hạn cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Cư Kuin tìm hiểu khó khăn của người trồng tiêu trên địa bàn. |
Ông Nguyễn Doãn Thị (thôn 2, xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana) có gần 5 ha cà phê xen tiêu, cây ăn quả và trang trại nuôi heo cho Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Trong đó, mới chỉ có 2,5 ha cho thu hoạch, phần diện tích còn lại đang vừa qua giai đoạn kiến thiết. Để có tiền đầu tư, ông Thị phải vay 1,2 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Krông Ana. Mặc dù không quá vất vả trong chuyện trả nợ ngân hàng vì mô hình sản xuất linh động của mình, nhưng ông cũng không khỏi lo lắng khi giá nông sản xuống quá thấp như hiện nay.
Theo tính toán của ông Thị nếu giá nông sản không chuyển biến khả quan hơn, thời gian trả nợ ngân hàng của gia đình ông sẽ phải kéo dài thêm vài năm so với quy định. Ông Thị chia sẻ, rất may ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình ông cũng nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ phía Agribank nên hoàn toàn yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, giá cà phê đã xuống còn 32.000 đồng/kg, giá hồ tiêu cũng giảm sâu, còn hơn 45.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, theo thống kê của cơ quan chức năng, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại trên 3.439 ha, tăng hơn 665 ha so với cuối năm 2018, trong đó có 8,91% bị chết, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Trước thực trạng đó, Agribank đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt thông tin khách hàng bị thiệt hại, gặp khó khăn để tìm cách tháo gỡ cho người dân.
Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, đơn vị cũng đã chủ động áp dụng các quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ được tiếp tục vay vốn để tái đầu tư, chuyển đổi cây trồng... Đây được xem là những hành động tích cực và quan trọng của Agribank, góp phần giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc