Multimedia Đọc Báo in

Cư Króa tập trung phát triển kinh tế rừng

10:00, 21/06/2019
Phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể vận động người dân đầu tư trồng rừng, coi lâm nghiệp là thế mạnh phát triển kinh tế ở địa phương.
 
Trước đây, Cư Króa được biết đến là xã đặc biệt khó khăn bởi điều kiện thổ nhưỡng hầu hết là đồi núi trọc, những khu vực trũng cũng chỉ canh tác một vụ các loại cây ngắn ngày do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, những điều tưởng chừng bất lợi ấy lại trở thành thế mạnh của xã. Từ khoảng năm 2007, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Nhân công đang thu hoạch keo của gia đình ông Nguyễn Văn Hợp, thôn 5, xã Cư Króa.
Nhân công đang thu hoạch keo của gia đình ông Nguyễn Văn Hợp, thôn 5, xã Cư Króa.
 
Gia đình bà Ngô Thị Vân ở thôn 2 được biết đến là hộ làm giàu từ kinh tế rừng. Nhiều năm qua, gia đình bà duy trì ổn định 40 ha keo lai, mỗi năm thu hoạch 10 ha. Với giá keo dao động 1 - 1,2 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Vân thu lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra bà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Bà Vân cho biết, keo là loại cây rừng dễ trồng, ít tốn công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư. Chu kỳ 4 năm từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ phải đầu tư khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha, nhưng giá trị kinh tế cao. 
 
B“Thực tế không có bất kỳ loại cây trồng nào trên vùng đất này mang lại hiệu quả cao như cây keo lai. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi có cuộc sống khá giả, con cái được đầu tư học hành, nhà cửa được xây dựng khang trang, sắm được ôtô, các vật dụng sinh hoạt đắt tiền...”
 
Bà Ngô Thị Vân, người dân thôn 2, xã Cư Króa

Gia đình anh Nguyễn Huy Đô, ở thôn 5 cũng có 5 ha keo lai. Nhờ gỗ keo được giá nên mấy năm trở lại đây kinh tế gia đình anh trở nên khấm khá, có của ăn của để. Trước đây, cũng với diện tích này, anh chỉ tỉa ngô, đậu một vụ vào mùa mưa song năng suất thấp, giá cả bấp bênh, kinh tế gia đình luôn thiếu thốn đủ bề. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, năm 2010, anh Đô đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng keo. Riêng năm 2019 này, gia đình anh đã thu hoạch được 2,5 ha keo lai, thu về 250 triệu đồng.
 
Ông Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa cho biết, để khuyến khích người dân gắn bó với kinh tế rừng, hằng năm xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở 2 - 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp; thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk cử cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc các diện tích rừng trồng, phòng trừ sâu bệnh, triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống cháy rừng... Từ đó, trồng rừng đã trở thành nghề, người dân đã có thể sống được với rừng, làm giàu nhờ rừng. Cây keo lai trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Theo thống kê, trong số 975 hộ dân của xã thì có đến 75% số hộ trồng keo với diện tích 2.000 ha. Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn đã được phủ xanh, không còn đất trống, đồi trọc; độ che phủ rừng đạt trên 100% kế hoạch. 
Nhân công của một số công ty công ty thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện đến tận vườn của dân để thu mua, tự chặt và vận chuyển.
Nhân công của một số công ty công ty thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện đến tận vườn của dân để thu mua, tự chặt và vận chuyển.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Króa, phát triển kinh tế rừng trồng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân mà còn tạo những hiệu ứng tích cực về môi trường. Nhờ đầu tư phát triển kinh tế rừng mà nhiều hộ gia đình ở xã Cư Króa đã có cuộc sống khá giả, góp phần quan trọng để cấp ủy, chính quyền xã thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3,5%.
 

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.