Huyện Krông Búk: Nhiều diện tích cà phê tái canh không thành công
Thực hiện tái canh được 2 - 3 năm, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Krông Búk bị sâu bệnh hại tấn công gây vàng lá, thối rễ, chết cây.
Nhà anh Nguyễn Văn Toản (buôn Kmu, xã Cư Né) có 1,7 ha cà phê trồng năm 1994. Thấy vườn cà phê già cỗi, giảm năng suất, anh Toản bắt tay vào tái canh. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, giá cà phê giảm thấp nên anh không tái canh đồng loạt mà nhổ đi trồng lại trước 5 sào vào năm 2016. Anh chọn trồng các giống TR4, TR9, thời gian đầu cây phát triển bình thường. Từ năm thứ 2 trở đi, nhiều cây cà phê có biểu hiện vàng lá, cây không tỏa tán, không phát triển. Anh nhổ cây lên thì phát hiện bộ rễ bị sưng phù, thối nên đành phải đào gốc bỏ hơn 45 cây cà phê. Còn diện tích tái canh năm 2018 bị chết hơn 20% và số lượng cây nhiễm bệnh vẫn chưa dừng lại.
Về quy trình trồng, anh Toản chia sẻ, sau khi phá bỏ cà phê già cỗi, anh để đất nghỉ khoảng một năm thì trồng lại. Khi trồng, anh không lấy mẫu đất đi kiểm tra mật độ tuyến trùng, sâu bệnh... Lúc vườn cây đổ bệnh chết dần, anh Toản mới nhận ra bản thân đã chủ quan, không tuân thủ quy trình xử lý đất, sâu bệnh hại. Bây giờ trồng lại, anh Toản xử lý đất thật kỹ mới xuống giống.
Cà phê tái canh của gia đình ông Nguyễn Đình Tùng (bên trái) bị tuyến trùng gây hại. |
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đình Tùng (thôn Nam Thái, xã Chư Kbô) cũng gặp khó khăn khi trồng lại 500 cây cà phê. Ông Tùng cho hay, do mua giống ngoài thị trường nên cây không được chuẩn, đều cho lắm. Khi trồng lại gặp nắng hạn nhưng gia đình không tưới đủ nước khiến cây cà phê bị chết nhiều. Số cây còn lại thì đang bị tuyến trùng tấn công. Ông Tùng cho biết, nhiều trường hợp cà phê bị sâu hại tấn công nhưng lá vẫn xanh, quan sát kỹ sẽ thấy cây cà phê không phát triển, không đẻ nhánh...
Anh Bùi Đình Hiếu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Krông Búk cho biết, trước đây Bộ NN-PTNT quy định thời gian cho đất nghỉ từ 3 - 5 năm trước khi thực hiện tái canh cà phê. Về sau, thời gian rút lại còn 1 năm theo Quyết định số 2085/QQĐ-BNN-TT, ngày 31-5-2016, nhưng với điều kiện đất tái canh ít bị nhiễm sâu bệnh. Việc này cần phải lấy mẫu đất đem đi kiểm tra, ở Đắk Lắk nơi có đủ điều kiện để làm là Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Tuy nhiên, đa số người dân trên địa bàn huyện nhổ cà phê đi trồng lại liền và không thực hiện việc kiểm tra mật độ sâu bệnh hại trong đất như quy định của Bộ NN-PTNT. Bệnh phổ biến khi tái canh cà phê là tuyến trùng và các loại nấm trong đất.
Anh Nguyễn Văn Toản bên gốc cà phê bị sâu hại tấn công khiến cây không phát triển. |
Được biết, huyện Krông Búk có khoảng 20.000 ha cà phê và hầu hết được trồng từ trước năm 2000. Hiện diện tích cà phê già cỗi cần tái canh chiếm 50% (khoảng 10.000 ha). Do điều kiện kinh tế khó khăn, giá cà phê liên tục giảm nên người dân không tái canh đồng loạt mà chia thành nhiều đợt, đồng thời trồng xen thêm các loại cây ăn quả khác. Đến thời điểm này, toàn huyện mới tái canh được khoảng 1.000 ha, nhưng có tới 20% diện tích tái canh không thành công mà nguyên nhân chủ yếu là do sâu bệnh hại tấn công.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, với những vườn cây bị nặng, người dân chỉ còn cách nhổ đi trồng lại, không nên lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật... Để phòng chống sâu bệnh hại trong quá trình tái canh cà phê, người dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như: thời gian cho đất nghỉ, kiểm tra mật độ tuyến trùng, xử lý mầm bệnh trong đất, chọn các dòng giống chất lượng đã được công nhận, chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật...
Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc