Huyện Cư M'gar: Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt
Thời gian gần đây nhiều vườn hồ tiêu của nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar bỗng dưng bị héo khô và chết hàng loạt khiến nhiều người rơi vào tình cảnh nợ nần...
Những ngày này, ông Đoàn Văn Liêm ở thôn 6, xã Cư M’gar như “ngồi trên đống lửa” vì vườn hồ tiêu đang lụi tàn mà không còn cách cứu chữa. Mấy năm gần đây, gia đình ông đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để chăm sóc vườn hồ tiêu gần 1 ha. Ông Liêm phiền muộn nói: “Trước đây do tiêu được giá nên ai cũng đua nhau trồng và đều phải "cắm" sổ đỏ vay vốn ngân hàng, người ít thì vài triệu đồng, có người vay cả tỷ đồng. Giờ đây giá tiêu xuống thấp, thêm vào đó là nhiều diện tích cây tiêu bị bệnh chết, mất mùa nên nhiều gia đình trồng hồ tiêu lâm vào cảnh nợ nần…”.
Vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Ngọc Chất (bên trái) đang bị bệnh. |
Đứng bên vườn tiêu chỉ còn trơ trụi trụ, anh Nguyễn Ngọc Chất ở thôn 6, xã Cư M’gar cho biết: Trước đây gia đình anh chủ yếu trồng cà phê, còn tiêu chỉ trồng 2 sào. Cách đây vài năm, thấy giá tiêu tăng cao, gia đình anh đã phá bỏ 7 sào cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Khi ấy gia đình đã phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để mua giống, trụ tiêu và phân bón. Thế nhưng khi trồng được 2 năm thì tiêu chết dần và giá tiêu cũng bắt đầu lao dốc, gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
“Năm 2015, toàn huyện đã có hơn 300 ha tiêu bị bệnh chết. Mặc dù ngành chức năng của huyện đã có khuyến cáo, nhưng người dân vẫn ồ ạt xuống giống trồng tiêu. Từ năm 2016 đến nay, diện tích tiêu của toàn huyện đã tăng lên khoảng 5.000 ha; trong khi theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn huyện chỉ có 3.000 ha”.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar
|
Không chỉ có gia đình ông Đoàn Văn Liêm và anh Nguyễn Ngọc Chất, mà hiện nay nhiều hộ gia đình ở xã Cư M’gar cũng gặp tình trạng tiêu chết như: gia đình ông Đoàn Văn Nhở; Đoàn Nghệ Thuật; Hồ Văn Trên; Hồ Văn Phương; Nguyễn Văn Mâu; Lê Đình Dơng... với diện tích hồ tiêu bị chết từ 5 sào, đến 1ha. Các biểu hiện thường thấy của cây tiêu là lá xoăn, vàng, sau đó lá rụng dần, cây còi cọc và chết. Mặc dù các ngành chức năng và các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, “bắt bệnh”, cứu cây tiêu, nhưng diện tích tiêu chết vẫn không giảm.
Theo thông tin từ ngành chức năng của huyện, năm 2018, huyện Cư M’gar có khoảng 100 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, tập trung ở các xã Ea M’nang, Ea M’roh, Cư M’gar, Cư Dliê Mnông, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk... và dự báo trong thời gian tới số diện tích tiêu nhiễm bệnh có thể tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi mở rộng diện tích trồng tiêu, người dân chưa chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh, trồng trên vùng đất không phù hợp, bón phân hóa học với liều lượng cao… dẫn đến nhiều vườn hồ tiêu xảy ra bệnh chết nhanh, chết chậm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười cho biết: Trước tình hình dịch bệnh trên cây tiêu, huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn kỹ thuật, cách cải tạo đất, phòng trừ dịch bệnh; đồng thời khuyến khích người dân chủ động trồng xen các nhóm cây ăn quả trong vườn tiêu, cũng như vườn cà phê để chia sẻ rủi ro trong khi giá cả tiêu, cà phê xuống thấp. Bên cạnh đó, hướng dẫn, định hướng cho bà con nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển hồ tiêu an toàn, hướng tới sản xuất hữu cơ để cải thiện hệ sinh vật trong đất đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài của cây tiêu…
Công Phong
Ý kiến bạn đọc