Multimedia Đọc Báo in

Phập phồng nỗi lo sử dụng đường điện tự kéo

09:06, 16/07/2019

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại xã Bông Krang (huyện Lắk) sử dụng đường dây điện tự kéo, không bảo đảm an toàn, nhất là trong các mùa mưa bão.

Dù cách trung tâm xã chưa đến 1 km, cách trung tâm huyện tầm 4 km, nhưng hơn 10 năm nay, 27 hộ dân thuộc buôn Krai vẫn phải sử dụng đường điện tự kéo, thậm chí một số hộ hiện nay vẫn phải sống trong cảnh tù mù đèn dầu. Quan sát thực tế cho thấy, hầu hết trụ điện đều là trụ gỗ tạp, qua thời gian sử dụng bị mục, nghiêng đổ, nhiều đoạn dây điện sà xuống đường đi, vườn rau của các hộ dân. Bằng mắt thường có thể thấy rõ, tất cả các trụ và dây điện đều không đủ tiêu chuẩn, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Chỉ tay về phía đường dây điện của gia đình, chị H’Phren Đăk Căt kể với sự bức xúc, do nhà xa trụ điện chính gần 1 km nên gia đình chị phải tự mua trụ, dây kéo điện về dùng. Kinh phí ít ỏi, lại phải đi vay mượn nên ban đầu chồng chị tự vào rừng chặt các cây gỗ tạp về dựng tạm. Do đó, chỉ qua hai mùa mưa, toàn bộ trụ gỗ bị gãy đổ, điện chập liên tục nên vừa rồi vợ chồng chị quyết định mượn hơn 5 triệu đồng để đổi sang trụ sắt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi dù là trụ sắt chị không dám chắc về độ an toàn, nhất là vào thời điểm mùa mưa, trụ có thể đổ ngã bất cứ lúc nào. Hơn thế, nguồn điện tự kéo không ổn định nên không đủ phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong gia đình. Nhà chỉ có 2 bóng đèn thắp sáng, 1 nồi cơm điện, nhưng khi nấu cơm chị phải tắt hết các thiết bị còn lại may ra cơm mới chín đều.

Trụ và đường dây điện do người dân buôn Krai tự đầu tư.
Trụ và đường dây điện do người dân buôn Krai tự đầu tư.

Cách nhà chị H’Phren chừng 5 mét, gia đình chị H’Phương Jiê nhiều năm liền phải dùng chung đường dây tự kéo của 3 gia đình. Do đó, nguồn điện rất yếu, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 18 đến 21 giờ. Chị H’Phương cho biết, vào giờ cao điểm, điện chập chờn, nếu nấu cơm vào giờ này thường bị sống. Do vậy, việc bơm nước, nấu cơm chị phải lo xong trước 17 giờ. Trong khi đó, gia đình chị H’Mer Đăk Căt hơn 10 năm nay phải sống trong cảnh đèn cầy, đèn dầu. Chị chia sẻ, do gia đình không có tiền mua trụ, dây điện nên không có điện dùng. Để các con có ánh sáng học vào ban đêm, vợ chồng chị phải mua 1 bình ắc quy nhỏ và 1 bóng đèn rồi đi sạc điện ở nhà bà con. Mỗi lần sạc chị phải trả 10.000 đồng, dùng được 3 - 4 ngày, nhiều lúc hết điện nửa chừng thì phải mua đèn cầy về thắp cho các con học bài. Mới đây, có người quen đồng ý cho gia đình chị vay 5 triệu đồng để mua trụ và dây điện, nhưng phải trả mức lãi suất 250.000 đồng/tháng nên vợ chồng chị không dám vay vì sợ không đủ khả năng trả.

Trụ và đường dây điện tạm bợ tại buôn Yơn.
Trụ và đường dây điện tạm bợ tại buôn Yơn.

Tương tự, 64 hộ dân thuộc buôn Yơn hơn chục năm nay cũng phải dùng nguồn điện không bảo đảm an toàn. Ông Y Dhưn Sruk, Trưởng buôn Yơn cho biết, nhiều lần tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri các cấp, ban tự quản buôn đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước sớm đầu tư trụ và đường dây để người dân yên tâm sinh sống và có điện phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết, bà con trong buôn vẫn phải dùng điện tự kéo tạm bợ, nguồn điện không ổn định, trong khi đó tiền điện hằng tháng các gia đình phải chi trả rất cao.

Thiết nghĩ, địa phương và các cơ quan liên quan cần sớm có phương án đầu tư lưới điện hạ thế để các hộ dân ở khu vực này được sử dụng điện an toàn, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.