Tín hiệu vui từ mô hình vườn rau an toàn và cây ăn trái
Từ việc triển khai mô hình “Mỗi hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có 1 vườn rau an toàn và cây ăn trái”, nhiều gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực cải tạo vườn tạp để trồng rau, cây ăn trái, góp phần thực hiện vệ sinh môi trường tại hộ gia đình, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo nguồn thực phẩm an toàn, tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Là một trong những hộ được chọn để làm điểm thực hiện mô hình “Mỗi hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có 1 vườn rau an toàn và cây ăn trái” ở xã Hòa Thắng, chị H’Trinh Bkrông (buôn Ko Mliao) chia sẻ, trước đây chị thường hái các loại rau trên rẫy như rau rừng, mướp đắng, lá mì về ăn hoặc mua ở chợ chứ không có thói quen trồng rau tại nhà. Tuy nhiên khi nghe cán bộ phụ nữ đến giải thích, tuyên truyền thì chị thấy đây là cách làm hay nên đã đăng ký tham gia. Bây giờ, chị đã trồng các loại rau như xà lách, cải, cà tím, rau muống… trên mảnh đất trong vườn nhà.
Cũng như gia đình chị H’Trinh, bà H’Rôn Niê (buôn Ko Mliao) đã cải tạo mảnh đất bên cạnh nhà để trồng các loại rau xanh. Được biết, trước đây, dù đất vườn khá rộng nhưng bà chỉ trồng mấy cây đu đủ và rau leo hàng rào như bí đỏ, thiên lý, còn lại là để hoang. Trong khi đó, ngoài những lúc đi rẫy hái rau rừng thì bà thường đi chợ mua các loại rau củ khác về để chế biến trong bữa ăn. Theo bà H’Rôn, khi tham gia mô hình, ngoài việc được tuyên truyền về lợi ích của rau xanh trong mỗi bữa ăn, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, gia đình còn được Hội Phụ nữ xã Hòa Thắng tặng hạt giống, cây giống rau và cây ăn trái để trồng nhằm tạo nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình cũng như tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt, tạo cho khuôn viên vườn nhà xanh – sạch – đẹp hơn.
Bà H’Rôn Niê (xã Hòa Thắng) trồng rau trong vườn nhà. |
Trước đó, Hội LHPN phường Ea Tam cũng đã triển khai mô hình này tại buôn Alê B. Tại đây, Hội đã hỗ trợ hạt giống rau các loại và 44 cây giống ăn trái (sầu riêng, bơ, mít, mãng cầu xiêm) cho 12 hộ gia đình hội viên, phụ nữ; đồng thời mời cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn và cây ăn trái cho 36 hộ gia đình tại buôn. Đến nay, vườn rau của các hộ đã cho thu hoạch, trong đó có nhiều hộ không dùng hết nên đem bán kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Chị Vũ Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Ea Tam cho biết, việc xây dựng mô hình nhằm giúp chị em hình thành ý thức tự trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn, tiết kiệm chi tiêu, bảo đảm sức khỏe cho gia đình cũng như tạo môi trường cảnh quan trong khuôn viên nhà.
Cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái cho hộ dân ở xã Hòa Thắng. |
Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, để mô hình đạt hiệu quả, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cơ sở Hội tập trung xây dựng mô hình tại các buôn, trước hết mỗi đơn vị lựa chọn một Chi hội làm điểm với ít nhất 30 hộ gia đình hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Song song đó, Hội cũng đã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn các hộ tham gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, cây ăn trái, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã tranh thủ huy động nguồn lực hỗ trợ để mua giống rau và các loại cây ăn trái cho các hộ tham gia. Mặt khác, phát huy nội lực kinh tế của mỗi gia đình tự lựa chọn các loại rau xanh, củ, quả, cây ăn trái phù hợp với gia đình, tập quán sinh hoạt, thổ nhưỡng của địa phương để trồng trong vườn nhà. Được biết, hiện nay, mô hình “Mỗi hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có 1 vườn rau an toàn và cây ăn trái” đang được Hội LHPN các xã, phường có buôn đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện thí điểm ở 1 đến 2 chi hội, đến năm 2021 sẽ triển khai nhân rộng ở tất cả 33 buôn trên địa bàn thành phố.
Mô hình đã và đang thu hút người dân trong các buôn làng tham gia, góp phần cung cấp nguồn rau xanh cho bữa ăn hằng ngày cũng như từng bước phá bỏ các loại cây tạp không hiệu quả trong vườn để thay thế bằng các loại cây ăn trái khác. Điều đáng nói nữa là phong trào đã khiến tư duy, nếp nghĩ của bà con dân tộc thiểu số thay đổi để từ đó không chỉ có nguồn thực phẩm phục vụ cho chính bữa ăn của họ mà còn dư nguồn thực phẩm để trao đổi, buôn bán, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Mô hình “Mỗi hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có 1 vườn rau an toàn và cây ăn trái” là một trong những hoạt động của Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện tại các buôn trên địa bàn thành phố nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh giai đoạn 2019 - 2021.
Thúy Hồng – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc