Multimedia Đọc Báo in

Vun trồng quả ngọt trên vùng biên giới

08:56, 03/07/2019

Kiên trì bám trụ với cây xoài cát Hòa Lộc tại xã vùng biên Ia Lốp (huyện Ea Súp), anh Nguyễn Hữu Khiêm hiện đang thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm và định hướng bà con trong vùng cùng liên kết sản xuất để xây dựng chuỗi giá trị đối với loại quả này.

Anh Nguyễn Hữu Khiêm (thôn Dự, xã Ia Lốp) vốn là nông dân tại tỉnh Bến Tre, đến Ea Súp lập nghiệp từ năm 2003. Được chính quyền địa phương cấp đất ở và đất sản xuất, ban đầu, anh chỉ trồng các loại hoa màu để đảm bảo cuộc sống trước mắt. Sau khi tích lũy vốn, anh dần mở rộng diện tích đất sản xuất và đầu tư 5 nghìn cây cao su. Tuy nhiên, cây chậm phát triển, lại gặp thời điểm giá cao su liên tục sụt giảm khiến anh rất chán nản. Trong khi đó, hơn chục gốc xoài trồng “chơi” quanh nhà lại xanh tốt, cho trái trĩu cành. Anh quyết định trở về Bến Tre, tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật trồng xoài và nguồn cung cấp cây giống có chất lượng.

Năm 2013, anh phá bỏ cao su, cải tạo 3 ha đất để trồng hơn 900 gốc xoài cát Hòa Lộc. Những năm ấy, bà con thôn Dự cũng như những thôn lân cận đều chưa biết nhiều đến cây xoài. Thấy anh đồng loạt xuống giống gần một nghìn cây xoài, nhiều người bảo anh "điên", trồng xoài biết bán cho ai, ăn làm sao hết... Anh Khiêm chỉ biết cần mẫn chăm sóc để tìm lời giải cho mình và mọi người. Đến năm 2017, cây xoài cho trái bói, quả to đẹp, thương lái mua tận vườn dù số lượng chưa nhiều. Lúc này, bà con trong vùng mới bắt đầu tin và thường đến vườn của anh để học hỏi.

Anh Nguyễn Hữu Khiêm cắt tỉa cành sau thu hoạch để chuẩn bị cho vụ xoài mới.
Anh Nguyễn Hữu Khiêm cắt tỉa cành sau thu hoạch để chuẩn bị cho vụ xoài mới.

Trong quá trình canh tác, anh rất chú trọng yếu tố an toàn, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học để trừ sâu hại, rệp, ruồi vàng. Sau khi xoài đậu trái được khoảng 1 tháng, anh tỉa bớt quả xấu, giữ lại số lượng vừa đủ rồi bọc quả bằng túi vải cho đến khi thu hoạch. Nhờ cách làm này, quả xoài giữ được lớp vỏ đẹp, không bị hư hại. Một túi vải có thể sử dụng đến 6 lần nên rất tiết kiệm và tương đối thân thiện với môi trường.

Nhờ vùng Ea Súp nắng nhiều nên xoài ra hoa, đậu trái tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với việc trồng xoài tại Bến Tre. Mỗi năm, xoài cho thu hoạch 2 vụ với giá thu mua tại vườn cao hơn nhiều so với các giống xoài khác ở địa phương. Chỉ riêng trong đợt xoài chính vụ (từ tháng 2 đến hết tháng 4 âm lịch) vừa qua, anh thu hoạch hơn 14 tấn, lãi 240 triệu đồng. Hiện ngoài 900 cây đã khai thác ổn định, anh đã mở rộng thêm 8 ha xoài, tự đầu tư 2,4 km đường điện 3 pha phục vụ sản xuất và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên toàn bộ diện tích.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tận tình hướng dẫn nông dân trong vùng về kỹ thuật chăm sóc cây xoài cát Hòa Lộc, cung cấp giống xoài có chất lượng để bà con yên tâm canh tác. Anh cũng đang ấp ủ dự định vận động bà con cùng thành lập hợp tác xã, liên kết xây dựng thương hiệu xoài ngay tại mảnh đất vùng biên, tiết giảm các khâu trung gian để nâng cao hiệu quả của loại cây trồng này.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.