Đê bao Quảng Điền xuống cấp: Hàng nghìn héc-ta lúa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ
Sự cố vỡ đê là lời cảnh báo cho hệ thống đê bao Quảng Điền trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng từ vài năm gần đây. Điều này cũng khiến những cánh đồng được bảo vệ bởi tuyến đê bao đã không còn được an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Nguy cơ mất trắng vùng lúa
Trong những ngày mưa lũ đầu tháng 8-2019, bà con nông dân trồng lúa vùng Krông Ana đã phải dầm mình trong nước để đắp đê ngăn nước lũ tràn vào cánh đồng, nhưng cuối cùng cũng trở thành công “dã tràng” khi đoạn đê xung yếu bị đánh vỡ trước dòng nước lũ hung hãn. Sự xuống cấp của đê bao Quảng Điền đã không còn có thể bảo vệ “miếng cơm manh áo” của người dân nơi đây trước mùa mưa lũ.
Anh Nguyễn Đăng Sơn (thôn 3, xã Quảng Điền) cho biết, trong đợt lũ vừa rồi, gia đình anh có 3 ha lúa thì bị lụt mất 2 ha. Sau sự cố vỡ đê ngày 13-8, người dân ở đây đều rất lo lắng về sự an toàn của những cánh đồng lúa vào mùa mưa lũ. Theo số liệu của UBND xã Quảng Điền, vụ hè thu năm 2019, toàn xã gieo trồng gần 1.000 ha lúa nước. Thời điểm nước lũ dâng cao, UBND xã Quảng Điền đã huy động toàn dân và hai HTX Thăng Bình 1 và HTX Điện Bàn chung sức chống lũ. Riêng UBND xã đã trích hơn 100 triệu đồng mua các vật liệu cần thiết, thuê 4 xe múc, 15 xe chở đất để tiến hành gia cố đê bao.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã điều động lực lượng 100 cán bộ, chiến sĩ đến cùng người dân đắp đê, với chiều dài 4 km, cao gần 1 m. Ngoài ra, chính quyền địa phương và nhân dân xã Quảng Điền còn dùng máy bơm nước từ cánh đồng ra sông để cứu hàng trăm héc-ta lúa đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Mặc dù sự cố vỡ đê được khắc phục kịp thời, nhưng đã làm người dân thêm bất an về sự xuống cấp của hệ thống đê bao.
Đê bao Quảng Điền đoạn qua cánh đồng B (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) bị vỡ vào sáng 13-8-2019. |
Tương tự, ở xã Bình Hòa, trong đợt mưa lũ vừa qua, địa phương phải huy động hàng trăm người dân đắp đê dã chiến để cứu lúa. Anh Nguyễn Dư Phong (thôn 6, xã Bình Hòa) cho hay, kinh tế gia đình anh chỉ phụ thuộc vào 2 ha lúa, đến thời kỳ trổ bông thì ngập chỉ còn 1 ha. Sự cố vỡ đoạn đê bên phía xã Quảng Điền khiến anh vô cùng lo lắng những cánh đồng trong đê bao sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất trắng thường xuyên khi mùa mưa lũ đến bởi sự xuống cấp của tuyến đê này.
Theo UBND xã Bình Hòa, trong đợt nước lũ dâng cao tràn bờ đê, xã đã huy động hơn 600 công lao động, gần 11 triệu đồng chi phí (mua 300 mét dây điện, 7.000 bao bì, bạt…) để đắp đê dã chiến chống lũ, chiều dài hơn 1.000 m, cao 1 m. Cùng với đó, địa phương huy động 6 máy bơm nước của các gia đình để bơm nước từ trong đê ra ngoài nhằm tránh ngập, úng những diện tích chưa bị ngập. Ngoài ra, HTX Quảng Tân đã chuyển 4 máy bơm, loại công suất 33 kw/giờ từ trạm bơm tưới ra cánh đồng Bàu Gai 1 và Bàu Gai 2 để bơm chống úng cho lúa. Tuy nhiên, sự cố vỡ đê vào ngày 13-8 cũng đã đẩy các cánh đồng của xã Bình Hòa đứng trước nguy cơ mất mùa do lũ.
Cấp thiết nâng cấp đê bao
Theo Quyết định số 979/QĐ-UBND, ngày 23-4-2009 của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, hệ thống đê bao này có chiều dài 42,6 km, rộng 3 mét (bao gồm các tuyến đê bờ bao, hệ thống kênh tưới trên đê) và tuyến giao thông nằm trong vùng dự án dài 13 km, đi qua các xã: Bình Hòa, Dur Kmăl, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp. Công trình này hoàn thành được đưa vào sử dụng năm 2014, có nhiệm vụ ngăn lũ tiểu mãn, bảo vệ hàng nghìn héc-ta lúa nước của các địa phương nêu trên, góp phần ổn định đời sống, hoạt động sản xuất cho người dân. Đây còn là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trong vùng dự án.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tình hình lũ diễn biến phức tạp khiến một số đoạn trên dọc tuyến đê bao đã bị sạt lở, mặt đường bị rạn nứt nghiêm trọng nhưng địa phương vẫn chưa sửa chữa được do không có kinh phí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến đoạn đê bao không trụ nổi trước dòng lũ lớn như vừa qua. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã yêu cầu huyện tiến hành kiểm tra ngay toàn tuyến đê để kịp thời phát hiện, xử lý các điểm có nguy cơ mất an toàn.
Đê bao Quảng Điền đoạn qua xã Quảng Điền bị sụt lún nghiêm trọng. |
Đến thời điểm này, người dân, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang huyện Krông Ana đã hoàn thành hàng rào tạm thời dài hàng chục mét đoạn khu vực đê bị vỡ nhằm chặn nước từ sông Krông Ana tràn vào cánh đồng B thuộc xã Quảng Điền. Cùng với đó, huyện Krông Ana đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục gia cố thêm để đoạn đê được vững chắc, lắp các máy bơm dã chiến để bơm tiêu úng. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi về lâu dài buộc phải kiên cố hóa đoạn đê bị vỡ để bảo đảm an toàn cho vùng sản xuất lúa. Do đó, huyện đang làm tờ trình xin bố trí kinh phí để khắc phục triệt để đoạn đê bị vỡ tại khu vực cánh đồng B đoạn qua xã Quảng Điền với chiều dài khoảng 15 m.
UBND huyện Krông Ana cho biết, xuất phát từ thực tế hệ thống đê bao nhiều đoạn đã xuống cấp, căn cứ vào Quyết định số 289/QĐ-UBND, ngày 1-2-2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Dự án Chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, dự kiến huyện sẽ tiến hành sửa chữa các điểm xung yếu vào đầu tháng 9 tới để kịp triển khai vụ đông xuân.
Theo Quyết định số 289, tổng chiều dài gia cố, sửa chữa hệ thống đê bao Quảng Điền hơn 4,5 km. Cụ thể, chia thành 3 vùng, vùng 1 gồm: đoạn đê bao khu vực Bàu Lạnh, Trạm bơm T21 về Trạm bơm T20 (xã Quảng Điền); vùng 2: khu vực cống Ông Lương về Trạm bơm T22, đoạn cầu số 1 (xã Quảng Điền); vùng 3: đoạn từ Trạm bơm T76 đến cống tiêu C8 (xã Dur Kmăl)… Tổng dự toán xây dựng công trình gần 18 tỷ đồng, do UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư. |
Hoàng Minh Thùy
Ý kiến bạn đọc