Định hình vị thế thương mại cho cà phê Việt (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Tìm chiến lược phát triển cà phê mới
Xu thế tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi, việc phát huy các lợi thế sẵn có của cà phê Robusta để tiếp cận thị trường đang được người làm cà phê nỗ lực thực hiện. Trong nỗ lực đó, việc phát triển Cà phê đặc sản đã mở ra hướng đi mới, bước đầu gặt hái những thành công nhất định và được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Thị phần chuyển biến tích cực với cà phê Robusta
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization-ICO), những năm 1960 cà phê Robusta chiếm 20% thị phần cà phê toàn cầu, năm 1980 là 30%, năm 2000 là 40%, năm 2020 ước tính khoảng 50%.
Niên vụ 2018-2019, sản lượng cà phê toàn cầu ước đạt khoảng 113 triệu bao (60 kg/bao) được tiêu thụ chủ yếu thông qua 3 kênh: thị trường hàng hóa (ICE, LIFFE) với 68% sản lượng (tương đương khoảng 77 triệu bao) gồm Robusta 34%, Arabica chế biến tự nhiên 29%, Arabica chế biến ướt 5%; thị trường cà phê bền vững hữu cơ (cà phê đạt chứng nhận hữu cơ, Thương mại công bằng, 4C, RFA, UTZ…) khoảng 21% (24 triệu bao) gồm Arabica chế biến ướt 18%, Arabica chế biến tự nhiên gần 2%, Robusta khoảng 1%; phân khúc thị trường cao cấp dành cho những người sành uống chiếm khoảng 11% (12 triệu bao), trong đó Robusta gần 2%, Arabica chế biến tự nhiên 3%, Arabica chế biến ướt hơn 6%.
Thu thập thông tin tình hình sản xuất của nông hộ tại một đơn vị được cấp quyền Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột ở huyện Cư M'gar. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, dịch bệnh đang tấn công trên tất cả các loại cây trồng trong đó có cây cà phê. So với các giống khác, Robusta có sức đề kháng cao hơn và các nhà rang xay hy vọng cà phê Robusta sẽ bù đắp sản lượng của các loại cà phê khác bị sụt giảm do dịch bệnh. Do đó, tăng trưởng tiêu thụ cà phê nói chung có chậm lại ở mức 2,2% (giảm 0,3% so với thập kỷ vừa qua) nhưng đồ thị tiếp tục đi lên và phần lớn đều nhờ vào thị phần tiêu thụ cà phê Robusta thông qua cà phê hòa tan. Do đó, cà phê Robusta đang là "chìa khóa" để đón đầu thị trường mới nổi - nền văn hóa uống trà ở tầng lớp trung lưu thịnh vượng Đông Á.
Hiện nay, Brazil và Việt Nam đang chiếm một nửa tổng sản lượng và xuất khẩu cà phê toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 25% tổng diện tích đất trồng cà phê thế giới nhờ năng suất bình quân cao nhất và chi phí sản xuất thấp nhất. Trong đó, Việt Nam chiếm 58% tổng sản lượng cà phê Robusta và đại diện cho giá cà phê Robusta đại trà; Brazil chiếm 53% tổng sản lượng cà phê Arabica xuất khẩu không chế biến ướt và hiện tại cũng đang chịu áp lực giảm giá đối với các sản phẩm tự nhiên chất lượng cao.
Phát huy lợi thế đặc trưng vùng miền và phát triển cà phê đặc sản
Theo định nghĩa của bà Erna Knutsen (người gốc Na Uy) đưa ra lần đầu tiên vào năm 1978 thì các vùng khí hậu địa lý đặc biệt tạo ra hạt cà phê có đặc điểm hương vị độc đáo gọi là “Specialty Coffee” – Cà phê đặc sản. Sau hơn 40 năm, thế giới hiện nay đã có Hiệp hội Cà phê đặc sản quốc tế, phong trào sản xuất cà phê đặc sản lan tỏa mạnh mẽ đã làm nên cuộc cách mạng nâng cao chất lượng cà phê toàn cầu.
Tại Việt Nam, với mục tiêu đánh giá tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản từ cà phê Robusta, niên vụ 2016-2017, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với đơn vị giám định chất lượng đã thử nếm 22 mẫu cà phê do nông hộ cung cấp và tìm ra 3 mẫu đạt tiêu chuẩn Cà phê đặc sản; niên vụ 2017-2018 là 12/100 mẫu cà phê lấy tại vườn của nông hộ đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Chuyên gia thử nếm cà phê quốc tế chia sẻ cách thử nếm cà phê đặc sản với người sản xuất cà phê tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 4-2019. |
Tháng 3-2019, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 với sự tham dự của 31 đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê trên toàn quốc đăng ký dự thi, với 42 mẫu cà phê. Kết quả, có 25 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn Cà phê đặc sản theo thang chấm điểm của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới. Theo đánh giá của Ban giám khảo, việc thu hái có chọn lọc, lên men đầy đủ và phơi khô có kiểm soát đã tạo nên những hương vị cà phê Robusta hảo hạng.
Ông Manuel Diaz, chuyên gia cà phê đến từ Mexico nhận định, điều kiện đầu tiên để cà phê Robusta đạt chất lượng cao là sản xuất nhân tốt (phát triển nhân đầy đủ, chín, sạch); thứ hai là khám phá, phát triển và định hình hồ sơ hương vị nguồn gốc (Terroir). Theo cách hiểu phổ biến nhất thì Terroir là hệ thống các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng của cây trồng bao gồm chất đất, khí hậu, tập quán canh tác, vị trí địa hình, sự đa dạng của động, thực vật xung quanh…
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhận định, phát triển cà phê đặc sản là phát triển thêm phân khúc mới của thị trường cà phê Việt Nam, nó chỉ chiếm thị phần nhỏ nhưng là hình ảnh tinh hoa, có giá trị dẫn dắt nâng cao chất lượng cho ngành hàng. |
Với lợi thế về địa hình đồi núi đa dạng, tập quán văn hóa, sản xuất phong phú tại các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam thì hồ sơ hương vị nguồn gốc sẽ tạo nên đẳng cấp mới cho cà phê. Từ sự phân cấp đó, cà phê được phân hạng cụ thể theo từng phân cấp từ cà phê có hương vị thượng hạng đến cà phê thông thường với giá bán tương ứng.
Chia sẻ về chiến lược phát triển cà phê mới, ông Manuel Diaz phân tích thêm, sau khi cải thiện năng suất và chất lượng thì chiến lược phát triển mới cần tăng cường đại diện và sự tham gia của các bên liên quan đến thị trường cà phê thông qua sự thúc đẩy tự điều chỉnh và hợp tác trong các cụm sản xuất và cải thiện cơ hội cho doanh nghiệp trẻ. Đồng thời, nâng cấp môi trường pháp lý để phát triển các thể chế và chính sách cà phê thế hệ thứ hai dựa trên sự hợp tác, kiến thức và đổi mới; tập trung mở rộng thị trường bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang thị trường mới, tăng tiêu thụ trong nước...
Để tìm cơ hội mới cho sự phát triển, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê Việt Nam đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường bằng những sản phẩm mới và giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường truyền thống. Năm 2014, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk bắt đầu thử nghiệm sản xuất cà phê đặc sản từ giống Robusta. Đến nay, công ty đã thực hiện những đơn hàng xuất khẩu Cà phê đặc sản sang châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn còn khá mới lạ đối với khái niệm này, do đó ngoài xuất khẩu, đơn vị còn giới thiệu sản phẩm Cà phê đặc sản tại các điểm bán hàng của công ty.
Tương tự, đầu năm 2019, được sự tài trợ của Tổ chức Thương mại Công bằng, Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã đưa mẫu cà phê do nông hộ mình sản xuất gửi thi tại Hội chợ cà phê đặc sản Mỹ và được các chuyên gia quốc tế đánh giá chất lượng đạt 82 điểm.
Đó là những tín hiệu tích cực và người làm cà phê đang nỗ lực thay đổi cách thức sản xuất từ vườn cây, chế biến đến tiêu dùng thông qua những hoạt động mở, kết nối với sự tham gia của nhiều tác nhân ngành cà phê trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, hướng kết nối mở đa chiều sẽ đưa đến hướng phát triển mới cho cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc