Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nghề bánh tráng gia truyền

17:44, 26/08/2019

Trải qua bao thăng trầm, đổi thay, có lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục, nhưng đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) vẫn giữ được nghề bánh tráng truyền thống lâu đời của gia đình mình.

Chia sẻ về nghề của gia đình, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ Cơ sở bánh tráng gia truyền Tuyết Duy cho biết, được truyền nghề từ đời bà nội, cả gia đình bà làm nghề tráng bánh tráng đã gần 1 thế kỷ qua. Từ quê hương Bình Định vào Ea Bar xây dựng kinh tế mới vào năm 1990, gia đình bà vẫn tiếp tục nghề truyền thống này. Công việc tuy vất vả và khá nhiều biến cố, nhưng gia đình bà vẫn kiên trì để gìn giữ nghề gia truyền. Theo bà Tuyết, làm bánh tráng nhìn bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, nhưng rất vất vả, bởi khâu chuẩn bị tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, hầu như không có giờ nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết phơi mẻ bánh tráng mới ra lò.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết phơi mẻ bánh tráng mới ra lò.

Bánh tráng ngon hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không chỉ bảo đảm về nguyên liệu mà từ khâu xay bột đến tráng bánh phải thật kỹ mới được. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng tác động đến chất lượng bánh rất nhiều, bởi trời có nắng thì bánh mới được hong khô, thơm ngon và bảo quản được lâu. Bánh tráng được làm bằng gạo ngon, xay mịn rồi tráng thật đều sao cho bánh không được quá mỏng cũng không được quá dày. Đối với các loại bánh dùng để cuốn chả giò thì cần phải tỉ mỉ và tráng cẩn thận hơn nữa.

Vài năm trở lại đây bánh tráng cuốn được nhiều người chuộng, thu nhập ổn định nên gia đình bà mới có điều kiện đầu tư máy tráng bánh, đỡ vất vả hơn trước kia tráng bằng tay. Hiện gia đình bà làm bánh tráng chủ yếu theo đơn đặt hàng. Mỗi ngày gia đình sản xuất ra khoảng 1.500 bánh với trọng lượng 6 tạ. Những ngày bình thường bà Tuyết duy trì 5 nhân công để làm bánh. Vào dịp Tết phải thuê gấp 4, 5 lần mới kịp phục vụ thị trường.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm bánh tráng  của Cơ sở Tuyết Duy tại Ngày hội phụ nữ  khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk.  Ảnh: V. Anh
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm bánh tráng của Cơ sở Tuyết Duy tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: V. Anh

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết, trên địa bàn xã ngoài gia đình bà Tuyết, làng nghề bánh tráng Ea Bar hiện có khoảng 100 hộ sản xuất kinh doanh tập trung hầu hết ở thôn 7. Bánh tráng chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn huyện Buôn Đôn và các huyện lân cận, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.