Nguy cơ dịch tả châu Phi lan rộng sau mưa lũ
Mưa lớn, ngập lụt kéo dài khiến cho công tác xử lý, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.
Sáng ngày 10-8, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột đã ghi nhận ổ dịch tả heo châu Phi tại tổ dân phố 10, phường Tự An, nâng số xã, phường đã xuất hiện dịch bệnh này lên 6 đơn vị. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 15 con heo rừng lai, xử lý tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là dịch bệnh đã diễn ra từ nhiều ngày trước, đến khi heo chết hàng loạt, chủ hộ mới báo lên chính quyền địa phương. Trong khi đó, chuồng trại được xây dựng rất tạm bợ, lại nằm tại vùng đất dốc ven suối Ea Nao, khiến cho mầm bệnh dễ dàng phát tán theo nước mưa ra môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, chủ hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh cho biết, từ 10 ngày trước, đàn heo đã xuất hiện một vài con chết rải rác nhưng ông không nghĩ đến việc heo mắc dịch tả châu Phi vì những con khác trong đàn đều không có dấu hiệu bỏ ăn, tiêu chảy... Đến sáng ngày 8-8, khi tiếp tục thấy 2 con heo chết cùng lúc, ông mới báo lên chính quyền địa phương để cán bộ thú y đến lấy mẫu, xử lý môi trường bước đầu.
Ông Toản nuôi heo rừng lai từ 7 năm nay, tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các quán ăn để chăn nuôi. Số lượng heo sinh sản tăng dần qua từng năm, song ông vẫn chỉ quây lưới B40 ngay trên phần đất sau nhà, tận dụng tôn cũ, ván tạp che nắng mưa cho heo. Do thấy heo sinh trưởng tốt, ít mắc bệnh nên ông không lưu tâm nhiều đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh hay xử lý tiêu độc, vệ sinh chuồng trại theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi.
Lực lượng chức năng tiến hành cân trọng lượng heo trước khi mang đi tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đ.Nga |
Từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi đến nay, TP. Buôn Ma Thuột đã phải tiêu hủy hơn 1.200 con heo với tổng trọng lượng hơn 57 tấn. Thiệt hại của ngành chăn nuôi là rất lớn và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Theo ông Hoàng Anh Dũng, Phó trưởng Trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột, thời tiết bất lợi với mưa nhiều, lượng mưa lớn đã khiến cho công tác phòng chống dịch khó khăn bội phần. Nguy cơ lây lan dịch tả heo lớn nhất nằm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là các hộ chăn nuôi heo rừng lai như hộ ông Nguyễn Ngọc Toản. Bên cạnh đó, 5 hộ chăn nuôi heo rừng lai nhiễm dịch tả châu Phi trên địa bàn thành phố thời gian qua đều không nuôi nhốt hoàn toàn dẫn đến khó phát hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh, phân heo cũng không được thu gom, xử lý triệt để. Khi mưa lớn, chất thải chăn nuôi dễ bị cuốn trôi ra các dòng chảy, phát tán rộng và xa.
Tương tự, tại huyện Ea Súp, đợt mưa lũ vừa rồi ngoài việc gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng đã khiến cho công tác ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan trở nên khó khăn hơn. Tính đến ngày 10-8, toàn huyện có 978 hộ có dịch, với 5.216 con heo bị tiêu hủy do mắc bệnh, trọng lượng tiêu hủy gần 276 tấn. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Ea Rốk với trên 1.605 con; Ea Lê 1.166 con.
Lực lượng chức năng vây bắt đàn heo rừng lai bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi của hộ ông Nguyễn Ngọc Toản (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) mang đi tiêu hủy. |
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ còn nuôi thả rông nên việc kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện vốn đã khó khăn, lại thêm mưa lũ xảy ra khiến công tác tiêu hủy rất vất vả. Nguy hiểm nhất là không thể ngăn chặn được chất thải chăn nuôi có chứa vi rút theo dòng nước đi khắp nơi.
Hiện nay, toàn huyện đã có 9/10 xã, thị trấn phát hiện dịch tả heo châu Phi. Sau đợt mưa lũ này, nguy cơ bùng phát toàn huyện là khó tránh khỏi. Bởi trong điều kiện mưa lũ, người dân thường tập trung phòng chống thiên tai nên dễ lơ là, không quan sát kỹ các biểu hiện của heo dẫn đến phát hiện bệnh trễ. Mặc dù ngành Chăn nuôi và Thú y huyện liên tục bám sát địa bàn, khẩn trương tiến hành các bước kiểm tra triệu chứng, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý môi trường bước đầu ngay khi nhận được tin báo của người dân để giảm thiểu nguy cơ lây lan, nhưng điều kiện vệ sinh chuồng trại không đảm bảo khiến mầm bệnh có thể phát tán ra môi trường ngay trong giai đoạn ủ bệnh.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các địa phương không được lơ là chủ quan trong việc chống dịch; công tác tiêu hủy cần thực hiện nghiêm túc theo quy trình để hạn chế thấp nhất việc vi rút dịch tả heo châu Phi lây lan theo dòng nước. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi không giấu dịch và phòng dịch có hiệu quả.
Minh Thuận - Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc