Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ dịch vụ du lịch Homestay

17:42, 26/08/2019

Thời gian qua, thay vì chọn những nhà nghỉ, khách sạn, nhiều du khách có xu hướng ở tại nhà của dân địa phương (homestay) để trải nghiệm, có góc nhìn gần gũi hơn về không gian sống và bản sắc văn hóa của người dân tại các điểm du lịch.

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 3-2017 nhưng Homestay Cư H’lăm ở buôn Ea Mắp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) được nhiều du khách biết đến. Homestay Cư Hl’ăm có diện tích gần 800 m2, nằm ngay bên hồ Cư H’lăm với các căn nhà dài truyền thống của người Êđê làm nơi lưu trú. Bên trong có những hiện vật trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người bản địa như: cồng chiêng, gùi, ché, các loại nhạc cụ...

Nhằm thu hút du khách, chủ nhân Homestay Cư H’lâm cũng đã phối hợp với người dân trong buôn thực hiện nhiều dịch vụ như: cùng nhau đi hái rau rừng, câu cá, leo đồi, hái cà phê, đi xe máy cày… và thực hiện những món ẩm thực độc đáo của người địa phương, vừa tạo thêm thu nhập cho người bản địa lại đa dạng hóa hình thức du lịch.

Chị Nguyễn Thái Hoàng Tâm, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi và bạn tìm kiếm thông tin ở trên mạng về địa điểm này và đã có được một trải nghiệm lý thú khi được ở nhà sàn, leo đồi và nghe người dân kể về câu chuyện huyền thoại của nàng Cư H’lăm. Chuyến đi đã giúp chúng tôi có một kỳ nghỉ thật ấn tượng. Có dịp, tôi và bạn bè sẽ quay trở lại đây”.

Homestay Cư H’lăm được thiết kế là những mái nhà dài truyền thống.
Homestay Cư H’lăm được thiết kế là những mái nhà dài truyền thống.

Là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động du lịch nên HTX dịch vụ du lịch Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hình thức du lịch homestay. Hiện tại HTX có 28 thành viên, trong đó 95% là người dân tộc M’nông).

Theo ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX, nếu như trước đây homestay đơn giản chỉ là du khách đến, nghỉ qua đêm ở nhà dài của đồng bào thì hiện nay nhu cầu của du khách lại hướng đến trải nghiệm với thiên nhiên và đời sống của đồng bào. Với lợi thế sẵn có, HTX cùng với các xã viên đã sửa chữa các căn nhà dài thành địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú, tổ chức nhiều hoạt động như học đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đi hái lá rừng và lên men làm rượu cần…

Ông Đức cho biết, nhờ sự kết hợp giữa homestay và các hoạt động văn hóa của người dân địa phương nên hầu như ngày nào, HTX cũng có du khách tìm đến trải nghiệm.

Xã viên dọn dẹp để đón khách tại một homestay ở HTX Dịch vụ du lịch buôn Jun (huyện Lắk).
Xã viên dọn dẹp để đón khách tại một homestay ở HTX Dịch vụ du lịch buôn Jun (huyện Lắk).
 

Chúng tôi đang tham mưu với Sở và UBND tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân kinh doanh homestay về thủ tục pháp lý, công tác quảng cáo, lập trang web... và mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm hoàn thiện mô hình, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, du khách…”.

 
Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo đánh giá của những người làm du lịch, với lợi thế về khí hậu, phong cảnh, nét văn hóa độc đáo nên nhu cầu về loại hình homestay trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày… Tuy nhiên nhiều điểm homestay hiện nay vẫn đang tự mày mò để xây dựng, phát triển loại hình du lịch này.

Chị Hải Yến, chủ Homestay Cư H’lăm trăn trở: “Mới nhìn, thì loại hình này khá đơn giản, chỉ là đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân… Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng, các sản phẩm du lịch đều phải thể hiện được nét độc đáo trong văn hóa của người bản địa… Và điểm quan trọng nhất là sự hỗ trợ của người dân địa phương, những người am hiểu văn hóa, từ đó mới mong thu hút và giữ chân du khách. Để có kinh nghiệm, chúng tồi đều phải tự học, tự tiếp cận với khách bằng hình thức quảng bá trên facebook, zalo… Do vậy, bên cạnh năng lực cá nhân, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương”.

Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hình thức du lịch homestay nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa tại địa phương. Do đó, việc phát triển loại hình homestay cần có sự hỗ trợ của người dân, sự tuyên truyền, quản lý cũng như hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm vừa bảo đảm an ninh trật tự, lại tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm và khám phá. Có như vậy thì dịch vụ homestay mới thật sự phát triển, góp phần làm cầu nối giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương đến với du khách.

Gia Thịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.