"Nóng" tình trạng kinh doanh đồng hồ đeo tay giả mạo thương hiệu
Đồng hồ đeo tay của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang được bày bán nhiều trên thị trường tỉnh. Điều đáng nói, có không ít trong số đó là hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả mạo.
Tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện như Krông Pắc, Ea Kar... không khó để tìm mua sản phẩm đồng hồ đeo tay được người bán giới thiệu là nhập từ Nhật, Thụy Sỹ... Đồng hồ được bày bán có đến hàng trăm loại, mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng. Người bán giới thiệu là hàng được nhập khẩu từ nước ngoài, hàng chính hãng hoặc “hàng xách tay” để tạo niềm tin với khách.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh liên tục phát hiện, tịch thu hàng trăm chiếc đồng hồ nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồng hồ tại TP. Buôn Ma Thuột, thậm chí tại các huyện xa hơn như huyện Krông Pắc, Ea Kar.. cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều cơ sở bày bán đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu như Rolex, Rada, Chanel... Đây là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và giá trị cao.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra việc bày bán đồng hồ tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Mới đây nhất, ngày 4-7, Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh đồng hồ P. C. B tại TP. Buôn Ma Thuột. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện cửa hàng này bày bán 144 chiếc đồng hồ đeo tay các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đoàn đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ hàng hóa trị giá trên 37 triệu đồng để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 21-3, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Buôn Ma Thuột) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hai hộ kinh doanh đồng hồ được coi là lớn nhất, nhì ở TP. Buôn Ma Thuột là N.V và L.P. Tại đây, Đoàn phát hiện hơn 500 chiếc đồng hồ đeo tay mang các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài có dấu hiệu vi phạm. Theo tìm hiểu được biết, hầu hết số đồng hồ đeo tay này đều là hàng trôi nổi trên thị trường và có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đồng hồ đeo tay của nước này làm ra có nhãn mác, bao bì bên ngoài chẳng khác nào hàng chính hãng. Chính điều này khiến người tiêu dùng không dễ phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nếu không có chuyên môn ở lĩnh vực này. Những thương hiệu bị làm giả nhiều nhất là đồng hồ Thụy Sỹ như Rolex, CK, Tissot... do thị hiếu, nhu cầu mua loại đồng hồ này ở thị trường nội địa là rất cao.
Hành vi buôn bán đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu gây thiệt hại lớn đến thương hiệu, các doanh nghiệp bày bán hàng chính hãng, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng việc bày bán sản phẩm giả mạo nhãn hiệu gây thiệt hại lớn đến doanh nghiệp chủ thể sở hữu nhãn hiệu, người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch Việt Nam.
Trước tình trạng trên, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo khi chọn mua, cảnh giác trước những lời quảng cáo của người bán cũng như mức giá quá rẻ so với giá trị thật của món hàng. Thông thường, các dòng đồng hồ cao cấp thì có giá khá cao vì phân khúc khách hàng và khẳng định thương hiệu. Do đó, nếu có giá rẻ, người tiêu dùng cần xem xét lại, đừng ham rẻ mà sập bẫy gian thương. Cách duy nhất để bảo vệ mình là nên tìm đến các đại lý chính hãng, ủy quyền để chọn mua.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 8 cơ sở tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc, Ea Kar kinh doanh đồng hồ đeo tay nhập lậu và giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Rolex, Chanel, Rado, Omega. Theo đó, đã tiến hành xử phạt hành chính 182,5 triệu đồng, tịch thu 808 chiếc đồng hồ đeo tay trị giá gần 500 triệu đồng. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc