Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ thay đổi cách nghĩ, cách làm

08:24, 06/08/2019

Từ nghèo khó, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên khá giả nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mô hình kinh doanh...

Vùng đất thuộc xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) vốn chỉ hợp với cây mía, cây keo và các loại hoa màu ngắn ngày khác. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều nông hộ đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định; điển hình là gia đình anh Trần Văn Đoàn (30 tuổi, ở thôn 10, xã Ea Pil).

Nhờ bản tính cần cù chịu khó, năm 2010, anh Đoàn bắt tay biến mảnh vườn rộng gần 1,5 ha từng được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành tiểu vườn ao chuồng, vừa trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Theo đó, 1,2 ha anh trồng vải thiều và nhãn Hương Chi; khoảng 3 sào đất còn lại anh đào ao nuôi cá trắm, cá chép… Ngoài ra anh còn nuôi thêm 1.000 con gà thịt thương phẩm.

Anh Đoàn chia sẻ, trước đây gia đình anh chỉ độc canh cây mía nên kinh tế rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường cũng như phía nhà máy thu mua. Thậm chí có năm anh còn mất trắng do đồng mía bị cháy. Từ lúc chuyển đổi hình thức canh tác, anh Đoàn có thể tự chủ về kinh tế. Hết mùa nhãn lại tới vụ thu vải thiều rồi bán cá, bán gà thịt... hầu như nhà anh có nguồn thu quanh năm.

Để mô hình vườn ao chuồng phát huy hiệu quả, anh Đoàn luôn cập nhật nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường cũng như học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới. Năm nay, anh vừa thu hơn 4 tấn nhãn Hương Chi bán với giá 28.000 đồng/kg; đàn gà một năm gia đình anh thu 3 lứa, mỗi lứa thu về từ 25 - 30 triệu đồng; chưa kể khoản thu từ nuôi cá... Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, trung bình mỗi năm anh Đoàn lãi khoảng 200 triệu đồng từ mô hình tiểu vườn ao chuồng. Hiện kinh tế gia đình đã ổn định, anh Đoàn xây được ngôi nhà khang trang và tiếp tục phát triển mảnh vườn.

Anh Trần Văn Đoàn cắt tỉa cành cây ăn trái.
Anh Trần Văn Đoàn cắt tỉa cành cây ăn trái.

Cũng từ trong gian khó, chị H’Ben Mlô (SN 1978, ở buôn Jok, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) đã có cuộc sống khấm khá khi mạnh dạn mở quán bán đồ ăn. Chị H’Ben tâm sự, ngày lấy chồng, chị được bố mẹ dựng cho căn nhà gỗ nhỏ cùng 3 sào cà phê. Hai vợ chồng chị cần mẫn bám rẫy mưu sinh song vẫn đói ăn, thiếu mặc. Để có tiền nuôi con, vợ chồng chị xin làm công nhân cạo mủ cao su cho công ty gần buôn. Cứ 1 giờ sáng, anh chị lại bế con sang gửi nhà bố mẹ để đi cạo mủ đến tờ mờ sáng mới về. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại tiền lương cũng đủ lo cho tổ ấm nhỏ. Tuy nhiên, thời gian sau đó giá cao su rớt thảm, công ty gặp khó, công việc cạo mủ lúc có lúc không.

Lúc này, chị H’Ben quyết định nghỉ ở nhà để có thời gian đưa đón hai con đi học vừa suy tính kiếm việc thêm. Nhận thấy nhu cầu mua đồ ăn sáng bên ngoài của người dân xung quanh ngày càng phổ biến, chị H’Ben nảy ra ý định mở quán bán. Tận dụng lợi thế nhà ngay mặt đường, bản thân có tài nấu nướng nên chị mở quán bán bún. “Trước khi mở quán, mình hơi e ngại sợ không có khách. Nhưng nghĩ người khác làm được, mình cũng làm được. Trước khi nấu bán, mình đã đi ăn nhiều tiệm khác nhau để học cách nấu cho ngon, hấp dẫn rồi về biến tấu cho hợp khẩu vị người dân trong vùng”, chị H’Ben chia sẻ.

Chị H’Ben Mlô khá giả nhờ kinh doanh đồ ăn.
Chị H’Ben Mlô khá giả nhờ kinh doanh đồ ăn.

Nhờ tài nấu ăn ngon, sạch sẽ, giá cả phải chăng nên lượng khách đến quán chị H’Ben ngày càng đông. Trung bình mỗi sáng chị bán từ 150 - 200 tô bún, có hôm lên tới 300 tô. Ngoài bán bún, chị còn bán thêm bánh mì; buổi chiều chị tự làm xúc xích chiên để kiếm thêm thu nhập. Chị H’Ben tính toán, mỗi ngày chị kiếm lời từ 300 - 400 nghìn đồng từ tiền kinh doanh đồ ăn sáng - chiều... Không chỉ giỏi trong kinh doanh, chị H’Ben còn nhiệt tình tham gia các phong trào trong buôn. Nhiều chị em phụ nữ Êđê trong buôn hay đến nhà tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn và được chị chia sẻ cặn kẽ.

Đan Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.